Thursday, April 14, 2011

BP vung tiền mua dư luận

TT - Vì sao nhà chức trách nhiều địa phương ở Mỹ lại có thể chi 10 triệu USD tiền bồi thường của Công ty dầu khí Anh BP để mua hàng thời thượng như laptop, iPad, xe hơi đời mới... thay vì tập trung cho việc khắc phục sự cố tràn dầu? Điều tra của báo Washington Post.


Một phụ nữ đi dọc bờ biển ở Grand Isle, bang Louisiana - một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nhất từ vụ tràn dầu - Ảnh: Getty Images

Tại tiểu bang Mississippi, lực lượng cảnh sát bảo tồn mua thêm súng ngắn Taser. Cơ quan phụ trách hệ thống cống mua thêm một chiếc xe bồn trị giá 300.000 USD dù xe này chưa bao giờ được dùng để hút một giọt dầu tràn. Viên chức ở Biloxi mua thêm 14 xe SUV và một số xe tải với số tiền 1,4 triệu USD.

Dân biểu Charlotte Randolph yêu cầu BP thanh toán tiền mua iPad để liên lạc với đồng sự, dù đã có một chiếc điện thoại Blackberry được thanh toán bằng tiền công quỹ. Vấn đề là bà đã không mua iPad lúc cần liên lạc khẩn thiết nhất mà đợi đến tận ngày 26-8-2010, gần bốn tháng sau khi sự cố xảy ra, lúc nắp giếng dầu đã được đậy lại và phần lớn số dầu tràn đã được xử lý.

“Dầu không tràn nữa không có nghĩa bờ biển của chúng tôi không bị ảnh hưởng” - bà Randolph biện bạch cho việc mua sắm iPad. Người phát ngôn của bà Randolph cũng lên đời với một chiếc máy tính cá nhân trị giá 3.100 USD. Một hạt ở Florida chi 560.000 USD cho đại nhạc hội rock để quảng bá những bãi biển không bị ảnh hưởng của dầu tràn.

Tất cả chi tiêu này đều được giải thích là để phục vụ, dù gián tiếp, cho việc khắc phục hậu quả của sự cố tràn dầu.

William Walker, giám đốc phụ trách tài nguyên biển của bang Mississippi, thừa nhận rõ ràng nhiều nơi mua sắm quá lố nhưng không cho rằng đã chi quá mạnh tay.

Thế nhưng tại hơn 150 cộng đồng dân cư trực tiếp bị ảnh hưởng nạn tràn dầu, khi trả lời phỏng vấn của Hãng AP, tất cả đều cho rằng có “một khoảng cách vô cùng xa vời” giữa các khoản chi này và thực tế còn lại sau một năm vụ tràn dầu.

Vụ tràn dầu ngày 20-4-2010 ở vịnh Mexico làm chết 11 công nhân là vụ tràn dầu ngoài biển tồi tệ nhất nước Mỹ. Nhiều thành phố và thị trấn dọc miền biển từ Louisiana đến Florida bị thiệt hại nặng về du lịch, nghề cá và môi trường.

Những người bị ảnh hưởng từ sự cố tràn dầu giờ được gọi là “tỉ phú tràn dầu” hay những kẻ giàu nhờ BP. Bằng chứng là các công ty tham gia xử lý dầu đã đục khoét BP bằng cách “chặt chém”. Một công ty vớt dầu đã đòi BP thanh toán với rất ít hóa đơn kèm theo. Một nhà thầu phụ tính giá 15.400 USD/tháng tiền cho BP thuê máy móc mà đúng giá chỉ khoảng 1.500 USD/tháng. Một công ty cho BP thuê mảnh đất với giá 1 triệu USD/tháng trong khi công ty này thuê lại với giá chưa đến 1.700 USD/tháng.

Trong khi đó, BP bị cho là đã dùng tiền bồi thường để mua dư luận. BP tung ra một số tiền bồi thường lớn cho các thiệt hại trên bờ, trên biển, cho các địa phương mà không thèm chờ đợi số liệu chi tiết và đòi hỏi trách nhiệm của nhà chức trách đối với số tiền bồi thường này.

BP đã chi 16 triệu USD cho các khoản làm sạch dầu và bồi thường thiệt hại cho người dân. Ngoài ra, đến ngày 31-3-2011, BP đã trả 754 triệu USD cho chính quyền tiểu bang và địa phương, 694 triệu USD cho chính quyền liên bang. BP chỉ yêu cầu tiền bồi thường phải được dùng cho các hoạt động giảm thiểu tác hại từ vụ tràn dầu và được báo cáo tài chính ít nhất một lần/năm.

Người phát ngôn của BP còn bào chữa: “Chúng tôi nhận thấy việc chi tiền bồi thường thật nhanh rất quan trọng đối với các hoạt động khắc phục hậu quả”.

Về thái độ của BP, Daniel Keeney, giám đốc một công ty quan hệ công chúng, nhận định: “Các khoản chi hào phóng đã giúp BP lấy lại được quan hệ tốt đẹp với công chúng, điều mà BP cần hơn bất cứ gì khác khi sự cố xảy ra. Còn tiền bồi thường được chi như thế nào, có hợp lý không chỉ liên quan đến đơn vị tiếp nhận hơn là phía BP”.

Louis Skrmetta, một trong hàng ngàn doanh nghiệp và cá nhân có nhận tiền bồi thường từ quỹ 20 triệu USD do BP thành lập, cho biết không hiểu nổi tại sao BP lại chi rất nhiều tiền cho chính quyền địa phương, trong khi các doanh nghiệp mới chịu hậu quả nặng nề nhất. “Giờ đây nghĩ lại tôi nghĩ đó là cách để giành sự ủng hộ của các chính khách và lấy lòng báo giới” - anh Skrmetta nói.

HỒNG VÂN

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More