Friday, October 19, 2012

Con gái Thủ tướng trách blog 'phản động'


Friday, 19th October 2012

Bà Phượng nói dư luận khắt khe 'đôi khi' đã phủ nhận các nỗ lực cá nhân của bà
Bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lên án 'một vài blog' phản động đã bôi nhọ bà trong vụ Ecopark Văn Giang và cũng nói bà sớm được 'giải oan' trong cáo buộc khác liên quan tới Sacombank.
Trả lời phỏng vấn tờ Đầu tư Chứng khoán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà Phượng nói:
"Thời gian qua, đã có những lúc tôi mệt mỏi cùng cực khi phải chịu quá nhiều những điều tiếng, thị phi từ những việc mà mình không hề liên quan gì cả!"
Trong số các vụ bà nói bị vu oan có dự án Ecopark Văn Giang và ngân hàng Sacombank.
Đây là lần đầu tiên bà Nguyễn Thanh Phượng xuất hiện trên báo chí từ khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6, nơi người cha, đương kim Thủ tướng, tiếp tục nhận được tín nhiệm của đa số trong Trung ương Đảng.
Liên quan tới vụ Văn Giang, bà Phượng nói Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên năm 2003 và tham gia vào Ecopark hoàn toàn khác với Công ty cổ phần bất động sản Việt Nam thành lập năm 2009 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Phượng Bấm bình luận: "Tuy nhiên, câu chuyện được dàn dựng bịa đặt hoàn toàn bởi một vài blog phản động, tự gán ghép sự liên quan của tôi khi thấy tôi có đại diện cho Viet Capital cùng Công ty Bất động sản Refico tham gia thành lập CTCP Bất động sản Việt Hưng năm 2009 tại TP. HCM để tham gia một dự án cũng tại TP. HCM.
"Sự lan truyền câu chuyện sai sự thật này nhanh đến mức khó tin, chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người bắt đầu đồn thổi và nói như thật về nó, mặc dù tôi đã khẳng định là cá nhân tôi và Bản Việt không liên quan, không quen biết, không tham gia đầu tư cũng như không tài trợ tín dụng gì liên quan đến dự án Ecopark này."
Sẽ được "giải oan"
Liên quan tới tin đồn bà đứng sau vụ thâu tóm Sacombank, con gái Thủ tướng nói:
"Cá nhân tôi và Ngân hàng Bản Việt không tham gia vào thương vụ này, cũng không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu STB dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hay gián tiếp, ngay cả chuyện hỗ trợ về mặt quan hệ cũng không...
"Bản thân anh Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của Eximbank, với tư cách là “người trong cuộc” của thương vụ này, đã không dưới một lần khẳng định rằng, tôi và Bản Việt hoàn toàn không liên quan trong toàn bộ câu chuyện này dưới bất cứ hình thức nào…
Bà Nguyễn Thanh Phượng khẳng định không liên quan dự án gây tranh cãi Ecopark
"Tôi nghĩ rồi một thời gian ngắn nữa thôi, mọi người cũng sẽ biết rõ nhiều sự việc liên quan đến Sacombank… Nhưng nói thật, cái quan niệm cứ thấy phi vụ nào “hoành tráng” là mọi người cho rằng, phải có tên tuổi “hoành tráng” tham gia hoặc “chống lưng” đằng sau thì mới thực hiện được đã vô tình tạo ra biết bao điều tiếng không có thực cho rất nhiều người.
"Điều này đang dần trở thành định kiến và trường hợp của tôi không là ngoại lệ. Nhưng tôi tin rằng, rồi thời gian sẽ “giải oan” cho tôi và sự thật sẽ nói lên tất cả…"
Bà Phượng cũng cho biết bà là "cổ đông cá nhân nắm tỷ lệ cổ phần lớn nhất tại Ngân hàng [Bản Việt, nơi bà là Chủ tịch hội đồng quản trị] với 4,9%.
Theo báo cáo tài chính năm 2011 của Bản Việt, vốn chủ sở hữu của ngân hàng này là hơn 3.300 tỷ đồng.
Báo cáo này cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của Bản Việt trong năm 2011 đã tăng 379%, từ con số 75 tỷ của năm 2010 lên 360 tỷ.
'Mệt mỏi cùng cực'
Bà Phượng cũng nói với Đầu tư Chứng khoán rằng bà chịu "áp lực" vì là con gái Thủ tướng từ khi đi học trong đó có những năm học ngành tài chính - ngân hàng ở Đại học Kinh tế Quốc dân:
"Từ lúc bắt đầu đi học, tôi đã quen với áp lực vì hoàn cảnh xuất thân của mình.
"Được điểm tốt thì có tiếng xì xào là vì "con ông lớn" nên được nâng đỡ.
"Cũng có lúc bị điểm xấu thì bị nói sau lưng là vì "con quan" nên mới ỷ lại, chẳng lo học hành.
"Tôi không phủ nhận mình có những lợi thế nhất định, nhưng chắc chắn những ai làm kinh doanh ở xứ sở này sẽ hiểu là có phải con nhà quan chức là dễ dàng hơn hay không.
"Sự quan tâm của số đông luôn gắn với những quan điểm và dư luận có phần khắt khe [và điều này] không chỉ tạo ra áp lực lớn mà đôi khi còn phủ nhận tất cả những nỗ lực phấn đấu của một cá nhân."
Nguyễn Thanh Phượng
"Tôi phải khẳng định là tôi cũng gặp nhiều khó khăn lắm, thậm chí là có những bất lợi hơn và tôi cũng phải hết sức kiên nhẫn để có thể theo đuổi sự nghiệp này.
"Một người hay được dư luận chú ý thì phải cố gắng giữ mình để tránh điều tiếng không hay cho cá nhân và cả gia đình. Thời gian qua, đã có những lúc tôi mệt mỏi cùng cực khi phải chịu quá nhiều những điều tiếng, thị phi từ những việc mà mình không hề liên quan gì cả!"
Bà Phượng cũng nói bà "chưa bao giờ nghĩ là mình đã thành đạt trong sự nghiệp" và nói sự dõi theo của dư luận "không chỉ tạo ra áp lực lớn mà đôi khi còn phủ nhận tất cả những nỗ lực phấn đấu của một cá nhân."
Cha của bà Phượng, ông Nguyễn Tấn Dũng, gần đây chịu nhiều sức ép trong đó có việc bị cho là người đã bị Bộ chính trị đề nghị Ban chấp hành trung ương kỷ luật.

Nguồn: BBC

Sunday, October 14, 2012

Canh bạc của Đảng Cộng sản

Hội nghị Trung ương 6
Hội nghị Trung ương 6 bế mạc ngày 15/10
Một vị trưởng lão trong giang hồ, một giáo sư đáng kính và là người xưa nay vẫn có thái độ thân thiện với chính quyền Việt Nam, nói với tôi, giọng khinh miệt, “Chừng nào hắn [Nguyễn Tấn Dũng] còn ngồi đó thì tôi sẽ không về Việt Nam”.
Có vẻ như nhiều người cũng không muốn ông thủ tướng ngồi ở đó nữa. Nhiều tiếng nói trên không gian mạng không ngần ngại bày tỏ công khai điều này.
Vì nhiều lý do, cũng dễ hiểu, người ta tin rằng nếu ông Dũng ra đi thì Đảng và Nhà nước Việt Nam giải quyết được các vấn đề khủng hoảng hiện nay, trong đó khủng hoảng lớn nhất vẫn là khủng hoảng tính chính đáng của lãnh đạo.
Việc ông Dũng rời khỏi ghế thủ tướng lúc này có thể đem đến một cảm giác thở phào cho nhiều người nhưng niềm tin cho rằng có ai đó đến thế chỗ ông có khả năng giải quyết khủng hoảng là một niềm tin không có cơ sở.
Khủng hoảng hiện nay ở Việt Nam là khủng hoảng định chế chứ không phải khủng hoảng nhân sự.
Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản hiểu điều này và nếu họ khôn ngoan thì họ sẽ để ông Dũng ngồi yên đó.

Khủng hoảng định chế

Ông Dũng ra đi giúp được gì cho Đảng, ngoài việc làm giảm đi áp lực của bức xúc xã hội trong một thời gian ngắn? Không giúp được điều gì chắc chắn cả.
Đó là chưa nói đến những rủi ro khác, mà rủi ro lớn nhất là Đảng sẽ mất luôn khả năng kiểm soát các lực lượng âm binh của ông Dũng trong an ninh và kinh tế mà từ trước đến nay Đảng vẫn không kiểm soát được. Đám âm binh này do ông Dũng tạo nên, ông sống với chúng và hiện nay nếu trong Bộ Chính trị có ai có khả năng điều khiển chúng thì người đó chính là ông Dũng.
"Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể xung đột đến mức loại trừ nhau nhưng họ chỉ loại trừ nhau khi không gây rủi ro cho quyền lãnh đạo của Đảng."
Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể xung đột đến mức loại trừ nhau nhưng họ chỉ loại trừ nhau khi không gây rủi ro cho quyền lãnh đạo của Đảng.
Một khi quyền lãnh đạo đó bị đe dọa, bởi bất cứ thế lực nào, thì một sợi dây vô hình sẽ buộc chặt họ lại với nhau. Lúc này không có lý do gì để tin rằng cái gọi là “trận chiến Ba-Tư”, nếu thật sự có thật một trận chiến như thế, sẽ đưa đến kết quả làm phân hóa Đảng.
Tóm lại: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không đi đâu cả. Và đó là điều tốt.
Sự xuất hiện trở lại của Ban Kinh tế Trung ương và việc Ban Chỉ đạo Chống Tham nhũng nay thuộc về Đảng là những tín hiệu xấu cho tiến trình pháp quyền hóa ở Việt Nam.
Phải mất gần hai thập niên, và phải cần đến những vị tổng bí thư yếu bóng vía như Nông Đức Mạnh, để Việt Nam có thể chuyển trung tâm quyền lực từ Đảng sang phía hành pháp của chính phủ. Đây là một bước tiến lớn trong tiến trình pháp quyền hóa, dù chưa phải là dân chủ hóa, đời sống chính trị quốc gia.
Vấn đề khủng hoảng hiện nay không phải là vì do một cá nhân nào mà là sự khủng hoảng có tính hệ thống. Khủng hoảng là do quyền lực tập trung quá lớn vào chính phủ trong sự thiếu vắng một cơ chế kiểm soát hữu hiệu.
Ở các nước dân chủ, quyền kiểm soát này nằm trong tay Quốc hội. Ở Việt Nam, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản nghĩ rằng qua cơ chế “cung vua – phủ chúa”, và từ các cơ chế của Đảng, họ có thể kiểm soát được hoạt động của chính phủ.
Họ đã sai lầm.
Ngay cả khi chính phủ là do đảng cầm quyền dựng nên trong một nhà nước độc đảng thì nó luôn vận hành theo một logic chức năng và quyền hạn mà đảng cầm quyền không thể kiểm soát được. Chỉ có một hệ thống pháp lý hoàn thiện mới có khả năng kiểm soát quyền lực của chính phủ.
Đưa chức năng kiểm soát này về lại với Đảng là một bước đi thụt lùi, phản động.
Ông Nguyễn Tấn Dũng

'Quyền lực không bị kiểm soát'

Có thể trong một thời gian ngắn, bằng một số biện pháp hành chánh nào đó, như “phê và tự phê” chẳng hạn, Đảng có thể kìm hãm sự vô độ của chính phủ nhưng về lâu về dài Đảng sẽ không giải quyết được những khủng hoảng tiếp theo: khủng hoảng pháp lý.
Nên nhớ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn hoạt động ngoài vòng pháp luật. Cho đến giờ phút này vẫn không tồn tại một đạo luật nào quy định vai trò và trách nhiệm của Đảng đối với chính phủ.
Đáng lẽ ra, thay vì hoảng hốt đưa các ban bệ với chức năng kiểm soát chính phủ đó về lại trong các cơ cấu của Đảng, Đảng nên mạnh dạn chuyển chúng sang cho Quốc hội.
Tại sao phải nặn ra những thứ ban bệ trong khung quyền lực của Đảng khi mà đã tồn tại những ủy ban tương tự như thế ở Quốc hội? Tại sao không để Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kiểm soát hoạt động kinh tế, tài chính của chính phủ? Tại sao phải không giao cho Ủy ban Pháp lý của Quốc hội trách nhiệm chống tham nhũng?
Đảng phải bước ra khỏi sự sợ hãi mất quyền lực truyền thống để tiếp tục cố gắng xây dựng một hệ thống pháp quyền ở Việt Nam. Việt Nam đang đi trên con đường chuyển từ đảng quyền sang pháp quyền. Quay trở lại lúc này, dù trong giai đoạn khủng hoảng, chứng tỏ những người lãnh đạo Đảng thiếu bản lĩnh.
Trở lại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ông Dũng cũng chỉ là nạn nhân của quyền lực không bị kiểm soát. Khủng hoảng do ông gây ra là khủng hoảng định chế.
Cần chuyển hóa định chế chứ không phải chuyển đổi nhân sự. Định chế phải được chuyển hóa theo hướng pháp quyền hóa chứ không phải quay trở lại với đảng quyền hóa đời sống chính trị quốc gia. Những người lãnh đạo Đảng lúc này phải có đủ bản lĩnh và quyết đoán để:
"Ông Dũng cũng chỉ là nạn nhân của quyền lực không bị kiểm soát. Khủng hoảng do ông gây ra là khủng hoảng định chế. "
Chặt hết những vây cánh do sự lạm dụng quyền lực tạo nên xung quanh ông Dũng. Trả lại cho Quốc hội quyền kiểm soát quyền lực chính phủ, nhanh chóng thông qua những đạo luật có tính hồi tố để chống tham nhũng. Luật hóa sự tồn tại và quyền lực của Đảng để tránh khủng hoảng pháp lý trong tương lai.
Như đã nói, đảng cầm quyền, ngay cả trong cơ chế độc đảng, không bao giờ có khả năng kiểm soát quyền lực chính phủ của chính nó đẻ ra. Những khủng hoảng hiện nay là sự tiếp tục của chuỗi khủng hoảng mang tính hệ thống đối với những nhà nước độc tài.
Nếu không xây dựng được một hệ thống pháp quyền, với sự chia sẻ và giám sát quyền lực hữu hiệu, Đảng và nhà nước sẽ đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác cho đến khi sụp đổ.
Canh bạc của Đảng hiện nay không phải là chuyện ai thắng ai trong “trận chiến Ba-Tư”, hay trong bất cứ xung đột quyền lực và quyền lợi của cá nhân lãnh đạo nào. Canh bạc của Đảng chính là là sự lựa chọn bản lĩnh và thông minh để tiếp tục tồn tại và cầm quyền.
Thời gian của sự lựa chọn này không nhiều.
Bài viết được đăng với sự đồng ý của tác giả, một kỹ sư hiện sống tại Pennsylvania, Hoa Kỳ; và thể hiện quan điểm và văn phong của riêng ông. Quý vị có ý kiến trao đổi, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More