Có vẻ như nhiều người cũng không muốn ông thủ tướng ngồi ở đó nữa. Nhiều tiếng nói trên không gian mạng không ngần ngại bày tỏ công khai điều này.
Vì nhiều lý do, cũng dễ hiểu, người ta tin rằng nếu ông Dũng ra đi thì Đảng và Nhà nước Việt Nam giải quyết được các vấn đề khủng hoảng hiện nay, trong đó khủng hoảng lớn nhất vẫn là khủng hoảng tính chính đáng của lãnh đạo.
Việc ông Dũng rời khỏi ghế thủ tướng lúc này có thể đem đến một cảm giác thở phào cho nhiều người nhưng niềm tin cho rằng có ai đó đến thế chỗ ông có khả năng giải quyết khủng hoảng là một niềm tin không có cơ sở.
Khủng hoảng hiện nay ở Việt Nam là khủng hoảng định chế chứ không phải khủng hoảng nhân sự.
Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản hiểu điều này và nếu họ khôn ngoan thì họ sẽ để ông Dũng ngồi yên đó.
Khủng hoảng định chế
Ông Dũng ra đi giúp được gì cho Đảng, ngoài việc làm giảm đi áp lực của bức xúc xã hội trong một thời gian ngắn? Không giúp được điều gì chắc chắn cả.Đó là chưa nói đến những rủi ro khác, mà rủi ro lớn nhất là Đảng sẽ mất luôn khả năng kiểm soát các lực lượng âm binh của ông Dũng trong an ninh và kinh tế mà từ trước đến nay Đảng vẫn không kiểm soát được. Đám âm binh này do ông Dũng tạo nên, ông sống với chúng và hiện nay nếu trong Bộ Chính trị có ai có khả năng điều khiển chúng thì người đó chính là ông Dũng.
"Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể xung đột đến mức loại trừ nhau nhưng họ chỉ loại trừ nhau khi không gây rủi ro cho quyền lãnh đạo của Đảng."
Một khi quyền lãnh đạo đó bị đe dọa, bởi bất cứ thế lực nào, thì một sợi dây vô hình sẽ buộc chặt họ lại với nhau. Lúc này không có lý do gì để tin rằng cái gọi là “trận chiến Ba-Tư”, nếu thật sự có thật một trận chiến như thế, sẽ đưa đến kết quả làm phân hóa Đảng.
Tóm lại: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không đi đâu cả. Và đó là điều tốt.
Sự xuất hiện trở lại của Ban Kinh tế Trung ương và việc Ban Chỉ đạo Chống Tham nhũng nay thuộc về Đảng là những tín hiệu xấu cho tiến trình pháp quyền hóa ở Việt Nam.
Phải mất gần hai thập niên, và phải cần đến những vị tổng bí thư yếu bóng vía như Nông Đức Mạnh, để Việt Nam có thể chuyển trung tâm quyền lực từ Đảng sang phía hành pháp của chính phủ. Đây là một bước tiến lớn trong tiến trình pháp quyền hóa, dù chưa phải là dân chủ hóa, đời sống chính trị quốc gia.
Vấn đề khủng hoảng hiện nay không phải là vì do một cá nhân nào mà là sự khủng hoảng có tính hệ thống. Khủng hoảng là do quyền lực tập trung quá lớn vào chính phủ trong sự thiếu vắng một cơ chế kiểm soát hữu hiệu.
Ở các nước dân chủ, quyền kiểm soát này nằm trong tay Quốc hội. Ở Việt Nam, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản nghĩ rằng qua cơ chế “cung vua – phủ chúa”, và từ các cơ chế của Đảng, họ có thể kiểm soát được hoạt động của chính phủ.
Họ đã sai lầm.
Ngay cả khi chính phủ là do đảng cầm quyền dựng nên trong một nhà nước độc đảng thì nó luôn vận hành theo một logic chức năng và quyền hạn mà đảng cầm quyền không thể kiểm soát được. Chỉ có một hệ thống pháp lý hoàn thiện mới có khả năng kiểm soát quyền lực của chính phủ.
Đưa chức năng kiểm soát này về lại với Đảng là một bước đi thụt lùi, phản động.
'Quyền lực không bị kiểm soát'
Có thể trong một thời gian ngắn, bằng một số biện pháp hành chánh nào đó, như “phê và tự phê” chẳng hạn, Đảng có thể kìm hãm sự vô độ của chính phủ nhưng về lâu về dài Đảng sẽ không giải quyết được những khủng hoảng tiếp theo: khủng hoảng pháp lý.Nên nhớ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn hoạt động ngoài vòng pháp luật. Cho đến giờ phút này vẫn không tồn tại một đạo luật nào quy định vai trò và trách nhiệm của Đảng đối với chính phủ.
Đáng lẽ ra, thay vì hoảng hốt đưa các ban bệ với chức năng kiểm soát chính phủ đó về lại trong các cơ cấu của Đảng, Đảng nên mạnh dạn chuyển chúng sang cho Quốc hội.
Tại sao phải nặn ra những thứ ban bệ trong khung quyền lực của Đảng khi mà đã tồn tại những ủy ban tương tự như thế ở Quốc hội? Tại sao không để Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kiểm soát hoạt động kinh tế, tài chính của chính phủ? Tại sao phải không giao cho Ủy ban Pháp lý của Quốc hội trách nhiệm chống tham nhũng?
Đảng phải bước ra khỏi sự sợ hãi mất quyền lực truyền thống để tiếp tục cố gắng xây dựng một hệ thống pháp quyền ở Việt Nam. Việt Nam đang đi trên con đường chuyển từ đảng quyền sang pháp quyền. Quay trở lại lúc này, dù trong giai đoạn khủng hoảng, chứng tỏ những người lãnh đạo Đảng thiếu bản lĩnh.
Trở lại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ông Dũng cũng chỉ là nạn nhân của quyền lực không bị kiểm soát. Khủng hoảng do ông gây ra là khủng hoảng định chế.
Cần chuyển hóa định chế chứ không phải chuyển đổi nhân sự. Định chế phải được chuyển hóa theo hướng pháp quyền hóa chứ không phải quay trở lại với đảng quyền hóa đời sống chính trị quốc gia. Những người lãnh đạo Đảng lúc này phải có đủ bản lĩnh và quyết đoán để:
"Ông Dũng cũng chỉ là nạn nhân của quyền lực không bị kiểm soát. Khủng hoảng do ông gây ra là khủng hoảng định chế. "
Như đã nói, đảng cầm quyền, ngay cả trong cơ chế độc đảng, không bao giờ có khả năng kiểm soát quyền lực chính phủ của chính nó đẻ ra. Những khủng hoảng hiện nay là sự tiếp tục của chuỗi khủng hoảng mang tính hệ thống đối với những nhà nước độc tài.
Nếu không xây dựng được một hệ thống pháp quyền, với sự chia sẻ và giám sát quyền lực hữu hiệu, Đảng và nhà nước sẽ đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác cho đến khi sụp đổ.
Canh bạc của Đảng hiện nay không phải là chuyện ai thắng ai trong “trận chiến Ba-Tư”, hay trong bất cứ xung đột quyền lực và quyền lợi của cá nhân lãnh đạo nào. Canh bạc của Đảng chính là là sự lựa chọn bản lĩnh và thông minh để tiếp tục tồn tại và cầm quyền.
Thời gian của sự lựa chọn này không nhiều.
Bài viết được đăng với sự đồng ý của tác giả, một kỹ sư hiện sống tại Pennsylvania, Hoa Kỳ; và thể hiện quan điểm và văn phong của riêng ông. Quý vị có ý kiến trao đổi, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk
0 nhận xét:
Post a Comment