Monday, August 8, 2011

Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ thăm Việt Nam

Tư lệnh Hạm đội 7 Scott Van Buskirk vừa thăm Hà Nội trong hai ngày

Phó Đô đốc, Tư lệnh Hạm đội 7 thuộc hải quân Hoa Kỳ, ông Scott Van Buskirk, vừa có chuyến thăm hai ngày tới Hà Nội.

Hôm thứ Sáu, 5/8/2011, ông đã làm việc tại trụ sở Bộ Quốc Phòng và hội kiến Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam.

Báo Việt Nam cũng chỉ nói chung chung rằng mục đích chuyến đi là để tăng cường quan hệ giữa hai hải quân và hai quân đội.

Tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam cho BBC biết chuyến thăm của Phó Đô đốc Van Buskirk chỉ kéo dài hai ngày và không cho biết thêm chi tiết.

Tuy nhiên, gần đây Hạm đội 7 đã có nhiều hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng.

Tháng 8/2010, Hạm đội 7 đã có tuần hoạt động chung với hải quân Việt Nam trong chương trình "kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao" giữa hai bên.

Truyền thông Việt Nam tỏ ra e dè khi nói tới các hoạt động chung ngày càng sôi nổi giữa quân đội hai nước, có lẽ một phần lý do là không muốn gây ảnh hưởng tới quan hệ với các nước thứ ba.

Thế nhưng một điều rõ ràng là các chương trình trao đổi ngày càng nhiều và đi vào chiều sâu.

Gần đây nhất, vào tháng Bảy, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có chương trình 'tập luyện hải quân' kéo dài một tuần tại thành phố Đà Nẵng, miền trung Việt Nam.

Hồi đầu tháng này đại diện Việt Nam và Hoa Kỳ cũng ký kết biên bản thỏa thuận Hợp tác Quân y trong khuôn khổ cộng tác giữa quân đội hai nước.

Hạm đội 7 là hạm đội chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Van Buskirk nhậm chức chỉ huy trưởng Hạm đội 7 từ tháng 9/2010.

Trước Việt Nam lần này, ông đã thăm Campuchia trong hai ngày 3/8-4/8.

BBC

Thanh niên VN nghĩ gì về tham nhũng?

Đứng vững trước cám dỗ tiền bạc không phải là điều dễ

Lần đầu tiên một tổ chức chuyên đánh giá về tham nhũng được thực hiện công khai một khảo sát để biết nhận thức của giới trẻ Việt Nam về vấn nạn này.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cùng đơn vị liên lạc của họ ở Việt Nam, Hướng tới Minh bạch, và một số tổ chức khác công bố ngày hôm nay nghiên cứu mang tựa "Liêm chính trong thanh niên Việt Nam".

Mặc dù khảo sát cho thấy đa số thanh niên đồng ý về tầm quan trọng của sự liêm chính, nhưng quan điểm của họ cũng thay đổi tùy tình huống cụ thể.

Họ phỏng vấn 1022 thanh niên trong độ tuổi 15-30 ở 11, tỉnh, thành phố, từ tháng Tám đến tháng 12 năm 2010.

Ví dụ, khi phải đưa thêm tiền hay quà biếu tại bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn, 32% người được hỏi cho rằng hành vi đó không sai.

35% sẵn sàng nới lỏng định nghĩa về sự liêm chính khi điều đó mang lại lợi ích kinh tế.

60% thanh niên nói sẽ tố cáo tham nhũng, nhưng trong số này lại chỉ có 4% đã từng tố cáo.

Lý do chính mà họ không tố cáo tham nhũng vì cho rằng "đó không phải là việc của tôi" hay "có tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì".

Tham nhũng có vẻ đã được xem là hiện tượng bình thường trong xã hội, vì hầu như không có khác biệt giữa câu trả lời của những người trẻ từng là nạn nhân của tham nhũng và những người chưa từng thấy tham nhũng.

Ảnh hưởng thông tin

Theo khảo sát, nguồn thông tin chính thống (tivi và đài) giữ vai trò quan trọng nhất để hình thành quan điểm của thanh niên Việt Nam về sự trung thực (89%).

Tiếp theo là gia đình (80%), và bạn bè, đồng nghiệp (76%). Chỉ có 39% người được hỏi cho biết internet là nguồn hình thành nên quan điểm của họ về liêm chính.

Khảo sát này cho biết thanh niên có trình độc học vấn thấp thì dễ đồng ý hay chấp nhận những hành vi tham nhũng hơn, và cũng ít tố cáo tham nhũng hơn.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế, và các tác giả khảo sát, khuyến nghị tập trung nỗ lực phòng chống tham nhũng vào những lĩnh vực và nhóm đối tượng có nguy cơ nhất như khu vực thành thị, ngành cảnh sát hay y tế.

Họ cũng cho rằng cần tuyên dương, động viên bằng hình thức cụ thể với những thanh niên trung thực để đưa giới trẻ thành nhân tố góp phần giảm tham nhũng tại Việt Nam.

Theo thống kê, trên 55% dân số Việt Nam hiện nay ở độ tuổi dưới 30.

BBC

Sunday, August 7, 2011

Người dân lại xuống đường ở Hà Nội

Lực lượng an ninh tỏ ra mềm mỏng hơn với người biểu tình ôn hòa

Người dân Việt Nam đã lại có cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội sau một tuần gián đoạn.

Hàng trăm người đã tham gia cuộc xuống đường ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Một người biểu tình nói với BBC số người tham gia lên tới 500-600.

Biểu tình bắt đầu vào lúc gần 8:30 sáng và kết thúc hai tiếng sau đó.

Hình ảnh video trên Bấm blog Ba Sàm cũng cho thấy số người tham gia biểu tình khá đông và thu hút được sự chú ý của nhiều người đi đường.

Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Bảo vệ tổ quốc Việt Nam”, “Hoàng Sa – Việt Nam”.

Đoàn biểu tình cũng mang theo trang báo Thanh Niên phóng lớn với tít “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”, lời phát biểu của lãnh đạo công an Hà Nội, Trung Tướng Nguyễn Đức Nhanh.

Công an Việt Nam dường như cũng đã thay đổi chiến thuật và tỏ ra ôn hòa hơn.

Không có tin tức nói về chuyện người biểu tình bị bắt lên xe buýt như một số lần trước và có blogger nói rằng công an thậm chí cũng không chuẩn bị sẵn xe buýt để bắt người.

'Hòa nhã'

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một trong số những người biểu tình bình luận trên trang Bấm Facebook của BBC:

"Rất hòa nhã giữa công an và người biểu tình. Một chủ nhật Đẹp."

Người xuống đường này nói thêm: "[Tôi] ít nhất năm lần mời nước của tôi với công an và họ cũng vui vẻ dùng nước. Trời Hà Nội lúc biểu tình rất nóng."

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, người cũng tham gia biểu tình, nói đoàn biểu tình đã được hai người dân tặng hoa nhưng cũng bị hai thanh niên gọi là "bọn điên".

Ngoài những gương mặt trí thức quen thuộc, các hình ảnh cho thấy blogger Mẹ Nấm từ Nha Trang cũng có mặt trong số những người biểu tình.

Anh Nguyễn Chí Đức, người bị đạp vào mặt trong một lần biểu tình, và luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, cũng như em gái ông, bà Cù Xuân Bích đều tham gia cuộc biểu tình mới nhất ở Hà Nội.

Trước đó có blogger từng hy vọng sẽ có một đại biểu quốc hội đi cùng đoàn biểu tình nhưng điều này đã không xảy ra.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một người biểu tình được nhiều người biết tới, nói với BBC ông không thể nói khi nào các cuộc xuống đường kết thúc vì đây là các cuộc biểu tình "tự phát" chứ không có tổ chức.

Tiến sỹ Quang A bình về biểu tình và VTV1

Ông nói: "Riêng cá nhân tôi, đi biểu tình những ngày vừa qua là để bày tỏ thái độ của mình đối với hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc trong thời gian vừa qua."

Vị tiến sỹ cũng nói thêm đây là cách để cả phía công an và người biểu tình học cách ứng xử trong những tình huống biểu tình đông người.

BBC

'Đừng tính toán những việc thấp tầm'

Một nhà văn, blogger có tiếng từ trong nước cho rằng nhà nước Việt Nam không nên có những toan tính nhỏ nhặt mà ông gọi là "thấp tầm" trong các nỗ lực muốn "ổn định" các phong trào xã hội hiện nay.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập, bình luận với BBC sau khi theo dõi phiên xử phúc thẩm với Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ và một phóng sự trên kênh truyền hình quốc gia VTV1 về ông Hà Vũ, cho rằng cách thức "lập lại trật tự" hiện nay mà chính quyền đang lựa chọn tiến hành "không phải là cách thức để làm nên sự ổn định", mà trái lại theo ông chính là "cách làm phá hỏng sự ổn định đi".

Trao đổi với BBC hôm thứ Sáu 05 tháng Tám, ông cho rằng hiện chưa rõ giới chức dự định sẽ kéo dài bao lâu xu hướng cứng rắn với các phong trào phản biện xã hội và bất đồng chính kiến ôn hòa.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi thấy rằng việc họ tuyên truyền về chuyện của Cù Huy Hà Vũ là việc của người ta thôi. Nếu để chứng minh là họ "xử án đúng", tội danh của ông Vũ là "đúng" thì là việc bình thường. Họ chứng minh hết tất cả.

Nhưng việc họ đưa ra những chứng cứ ngoài cái đó ra, như đem chuyện riêng của ông Vũ ra thì cái đó rất tiểu khí. Nó không đáng.

Nếu anh nói là anh xử đúng, thì anh cứ chứng minh anh đúng đi. Chứ còn việc anh nói vì ông Vũ xấu, tư cách ông Vũ không hay, thì lập tức sẽ bị người ta nghi ngờ. Người ta sẽ nghi ngờ rằng té ra vì ông Vũ xấu, tính cách ông Vũ không hay, vì mình ghét ông Vũ, thì bắt bỏ tù à?

Dân chúng lập tức sẽ nghi ngờ chuyện đó. Một khi mà anh tìm cách tuyên truyền về tư cách riêng của ông Vũ không ra gì, thì lại có phản ứng ngược lại rằng bỏ tù ông Vũ, chỉ vì ông Vũ không ra gì. Chứ không phải là vì ông Vũ phạm pháp. Đó là sự lợi bất cập hại mà những người làm tuyên truyền không khéo, không tốt.

'Phản tác dụng'

"Tại sao lại đem những chuyện cá nhân, riêng tư, gia đình của ông Vũ ra, những chuyện mà không ai kiểm chứng được cả? Lại còn đưa cả những lời của ông Cù Huy Cận nói về ông Vũ như thế nữa. Liệu ông Huy Cận có thực nói như vậy không?"

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

BBC: Với tư cách một người có hiểu biết về truyền thông, có người nói cách đưa tin của phóng sự của VTV1 là "phiến diện, một chiều," ông nhận xét thế nào?

Chuyện đưa tin một chiều từ trước tới nay thì vẫn thế thôi, mình cũng không làm sao được. Ở đất nước này, đòi hỏi sự đa chiều thì khó lắm. Thế nhưng việc một chiều thì một chiều, nhưng anh phải làm cho khéo, cho dù luật sư của ông Vũ nói là ông Vũ không có tội, nhưng mình chứng minh được là ông Vũ phạm pháp, thì cứ làm.

Nhưng tại sao lại đem những chuyện cá nhân, riêng tư, gia đình của ông Vũ ra, những chuyện mà không ai kiểm chứng được cả? Lại còn đưa cả những lời của ông Cù Huy Cận nói về ông Vũ như thế nữa. Liệu ông Huy Cận có thực nói như vậy không? Ông Cù Huy Cận cũng là một nhân vật rất quan trọng trong đời sống của dân, đem ra như vậy có đúng không?

Tại sao một người cha có thể nói về con như vậy? Mà những chuyện đó nằm ngoài văn bản, nằm ngoài chuyện phạm pháp hay không phạm pháp. Anh đem ra như vậy, nhân dân sẽ nghĩ vì anh ghét ông Vũ này nên đem ra bắt, bỏ tù thôi. Có phải phản tác dụng không?

BBC: Phóng sự được làm khá công phu theo nhiều người nhận xét, theo ông đài truyền hình VTV có định gửi một thông điệp gì đó không cho tân chính phủ Việt Nam?

Cái này tôi không dám chắc, nhưng việc người ta làm tới 15, 16 phút cho thấy đó là ý đồ của họ. Ở đây họ không phải là đưa tin về ông Vũ, mà họ muốn nói về các ông nhân sỹ, các ông ký kiến nghị, rằng các ông sai rồi, các ông không ra gì, các ông không biết gì về thông tin cả, đây mới là thông tin chính thống đây này, các ông ký kiến nghị đòi tự do cho ông Vũ là bậy.

Đó là thông điệp. Còn thông điệp gì của VTV1 gửi tới tân Chính phủ thì tôi không chắc. Nhưng rõ ràng cái này đã được chuẩn bị từ trước, mà chuẩn bị khá công phu.

BBC: Ông vừa nhắc tới kiến nghị trên trang blog Bauxite Việt Nam, một trang blog không chính thống trong nước, bản thân ông cũng là một blogger, tiện đây xin ông cho biết ý kiến của ông về việc báo Quân đội Nhân dân mới có bài báo ví thông tin trên các trang blog được cho là lề trái ở trong nước là "rác rưởi"?

Cái này mà ông Minh (tác giả, đại úy Nguyễn Văn Minh) nói chuyện rác rưởi hay không rác rưởi, thì thiên hạ người ta cười thôi. Chẳng ai thèm đôi co với những luận điệu như thế cả. Vì nó rất phi lý và thiếu văn hóa.

Cho nên chúng tôi không mất thì giờ đi bình luận về chuyện đó. Về blog Bauxite, trong khi anh đã coi người ta là rác rưởi, mà anh còn cố tâm lôi ra để bêu xấu, thì cái đó cũng chỉ chứng tỏ sự tiểu khí của người ta, và chứng tỏ văn hóa thiếu một cái tầm quốc gia. Cái này hàng tôm hàng cá thì được, còn tầm quốc gia thì không được.

'Vượt qua sợ hãi'


Các vụ xử án Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đang nằm ở trung tâm chú ý của dư luận Việt Nam thời gian này.

BBC:Phải chăng đang có một dấu hiệu nào đó về việc chính quyền sẽ mạnh tay hơn, cứng rắn hơn đối với những tiếng nói phản biện xã hội hoặc bất đồng chính kiến ôn hòa ở trong nước, thưa ông?

Tôi có cảm giác như vậy, tuy tôi không có cơ sở để khẳng định... Một vài người nói rằng các ông cấp trên muốn ổn định để phát triển. Họ biết rằng làm như vậy cũng hơi thiếu dân chủ một chút, nhưng để cho ổn định, phát triển.

Nhưng tôi nghĩ thế này, chúng ta muổn ổn định kiểu đó, thì lại gây ra bất ổn định sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn, chứ không ổn định như thế được.

Tôi ví dụ ở phiên tòa của ông Hà Vũ, để làm cho ổn định, người ta rất dễ dàng làm cho phiên tòa đó yên tĩnh, chặn các lối đi v.v..., thế nhưng các việc đó lại gây ra một sự phản ứng rất mạnh mẽ trong lòng quần chúng. Quần chúng thì người ta ngại nói.

Bản thân tôi cũng ngại nói, nhưng thấy nó khó chịu, bất bình. Anh làm kiểu đó càng làm mất ổn định sâu sắc hơn, chứ không phải là ổn định. Tôi cho rằng những tính toán về an ninh hơi bị sai lầm, rất sai lầm.

BBC: Vậy nhu cầu về thời gian mà người ta muốn 'ổn định' để làm công việc của người ta như ông vừa nói có kéo dài lắm không?

"Làm thế dân người ta chẳng sợ. Mà càng làm dân người ta càng nổi khùng ra. Khi dồn người ta tới sự sợ hãi tột cùng, thì người ta sẽ vượt qua sự sợ hãi ấy thôi."

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Cái này phụ thuộc vào quan điểm của người ta, làm sao tôi biết được. Nhưng định liệu cách đó nói thật là không làm được đâu. Nó càng chỉ làm xa cách giữa quan với dân, xa cách giữa nhân dân với chính quyền thôi.

Các anh càng làm thế thì người ta càng bước qua sợ hãi. Chứ người ta khống sợ hãi đâu. Cái đó phải hiểu một cách sâu sắc như vậy. Chứ đừng tính toán những việc nhỏ nhỏ, mà thấp tầm như vậy. Muốn ổn định phải làm một cách khác. Ai cũng muốn ổn định. Bản thân tôi cũng muốn ổn định và người nào cũng thế. Bản thân dân rất ủng hộ chính quyền về chuyện ổn định. Có ổn định mới phát triển được. Đúng rồi! Nhưng cách làm đó không phải là ổn định mà là cách phá hỏng sự ổn định đi. Việc họ kéo dài hay không kéo dài, bao lâu là việc của họ thôi.

Có thể họ cho lời nói của tôi là phản động thì họ vẫn cứ làm, còn nếu họ nghe được tiếng nói chân thành của các nhân sỹ và những người khác về chuyện này, thì họ sẽ rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng trong chính quyền cũng có rất nhiều người cũng có lòng. Họ sẽ nghĩ lại và họ sẽ đấu tranh cho việc này. Ở đây thực sự là xấu hổ, vì nói thật là ai lại làm thế. Làm như vậy thiên hạ người ta cười cho.

Làm thế dân người ta chẳng sợ. Mà càng làm dân người ta càng nổi khùng ra. Khi dồn người ta tới sự sợ hãi tột cùng, thì người ta sẽ vượt qua sự sợ hãi ấy thôi. Còn lại việc gì mình muốn làm thì mình cứ làm, làm sao cũng được hết. Nhưng anh phải xác định được rõ thế nào là sự ổn định. Làm thế nào để ổn định lớn chứ không phải là đe nẹt, bắt bớ, những vụ việc vặt. Làm thế càng hỏng!


Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More