Friday, January 13, 2012

Việt Nam cho phép nhập khẩu hơn 2 tấn vàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho hơn 10 doanh nghiệp nhập khẩu tổng cộng hơn 2,1 tấn vàng.

Hãng thông tấn Reuters trích thuật tin tức trên truyền hình Việt Nam cho biết như thế hôm thứ sáu.

Theo các giới chức hải quan, số vàng nhập khẩu đó chỉ được dùng cho mục đích sản xuất, gia công làm vàng trang sức xuất khẩu.

Trong một nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng trên thị trường thế giới, tháng 9 năm ngoái giới hữu trách Việt Nam đã cho phép các ngân hàng và công ty vàng nhập khẩu vàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết họ sẽ thực hiện những biện pháp quản lý nghiêm nhặt để theo dõi thị trường vàng trong năm nay.

Hôm qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay nền kinh tế Việt Nam hiện có từ 200 đến 300 tấn vàng, nhưng phần lớn số vàng này vẫn nằm trong dân chứ chưa được chuyển thành tiền cho lưu thông.

Nguồn: Reuters, VOV

Một báo cáo quan trọng về vai trò của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông vừa được công bố bởi một tổ chức nghiên cứu có quan hệ chặt với Nhà Trắng.

Tài liệu 115 trang, ra mắt ngày 10/01, có tựa “Hợp tác từ Sức mạnh: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Biển Nam Trung Hoa”.

Nhóm tác giả thuộc trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (Center for a New American Security - CNAS).

Năm bước gợi ý

Các tác giả dự đoán trong những thập niên tới, thách thức cho Hoa Kỳ là duy trì trật tự truyền thống trong tự do đi lại, và thích ứng trước sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.

“Mục đích là hợp tác, nhưng hợp tác có thể được thực thi tốt nhất từ vị trí mạnh.”

Họ kêu gọi Washington thi hành chính sách hợp tác trong thế mạnh trên Biển Đông để tránh xung đột và bảo vệ tự do đi lại cùng độc lập của các nước nhỏ hơn.

Báo cáo gợi ý năm bước để “bảo vệ Hoa Kỳ và quyền lợi của các đồng minh trên Biển Nam Trung Hoa và duy trì trật tự pháp lý”.

Trước hết, họ kêu gọi Washington mở rộng số lượng tàu chiến lên 346 chiếc, thay vì sắp phải giảm xuống còn 250 tàu vì cắt ngân sách.

Thứ hai, Mỹ cần củng cố một mạng lưới đối tác an ninh mới, trong đó có việc xây dựng đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á.

Chuyến thăm Việt Nam kín tiếng tuần này của Phó Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, dường như đáp ứng mục tiêu này.

Trả lời đài BBC trong hai câu ngắn gọn, Hạm đội 7 Mỹ chỉ nói vị tư lệnh “thực hiện những cuộc gặp thông thường kiểu này với các quốc gia biển tại châu Á Thái Bình Dương”.

Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Trong năm lĩnh vực hợp tác, có vấn đề An ninh biển.

Nghiên cứu của CNAS đề nghị bước thứ ba là Hoa Kỳ cần bảo đảm đặt Biển Đông vào hàng ưu tiên về ngoại giao và an ninh.

Thứ tư, Hoa Kỳ cần thúc đẩy hòa nhập kinh tế trong khu vực cũng như giữa châu Á và Mỹ.

Thứ năm, Hoa Kỳ cần có chính sách đúng với Trung Quốc, mà theo báo cáo là vừa hợp tác ngoại giao, kinh tế nhưng Mỹ phải có quân đội mạnh và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Đó cần là một chính sách tránh xung đột vũ trang nhưng không né đối đầu ngoại giao.

Ý nghĩa địa lý

Báo cáo đưa ra một ý rằng tương lai Trung Quốc “là dân chủ hay độc đoán sẽ không quan trọng như ta nghĩ, vì địa lý chiến lược của Trung Quốc vẫn y thế”.

Họ giải thích có người nói Trung Quốc chỉ xâm lăng khi yếu, ví dụ chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh với Ấn Độ.

“Nhưng phiên bản lịch sử này bỏ qua việc một Trung Quốc mạnh hơn cũng dùng vũ lực khi Việt Nam đang loạng choạng vào cuối Chiến tranh Việt Nam. Đó là khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa…”

“Một Trung Quốc dân chủ hơn cũng không chắc đảm bảo có một Trung Quốc bớt hung hăng hơn. Một Trung Quốc dân chủ có thể mạnh mẽ và linh động hơn về văn hóa, kinh tế, với cảm thức dân tộc sâu sắc, và như vậy lại càng có vốn cho việc củng cố quân sự.”

Đây đều là các tác giả có tiếng, nhưng có lẽ quan trọng hơn, nơi công bố báo cáo có quan hệ thân với chính phủ Mỹ hiện thời.

Người đồng sáng lập CNAS là Kurt Campbell, hiện là quan chức hàng đầu về châu Á tại Bộ Ngoại giao.

Một người đồng sáng lập khác, Michele Flournoy, từng phục vụ trong Lầu Năm Góc của chính quyền Obama trước khi ra đi cuối năm ngoái.

Theo BBC

Công an 'đánh chết dân' bị tù 4 năm

Phiên tòa xử nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ đã kết thúc với mức án bốn năm tù giam cho bị cáo, bao gồm mười tháng tạm giam trước đó.

Ông Nguyễn Văn Ninh ra tòa vì cáo buộc đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng hồi đầu năm 2011.

Con gái ông Tùng, cô Trịnh Kim Tiến cho biết “gia đình hoàn toàn không đồng ý với phán quyết này và sẽ kháng án”.

“Nếu như thế thì tội giết người cũng sẽ chỉ giống như tội trộm cắp,” Trịnh Kim Tiến nói.

Nói với BBC từ phiên tòa ở Hà Nội, Trịnh Kim Tiến cho biết: “Khi tòa đọc cáo trạng và hỏi Nguyễn Văn Ninh thì ông ta nói rằng ông ta hoàn toàn làm đúng pháp luật và hành động của ông ta là không được mong muốn.”

“Ông ta không hề tỏ ra hối hận hay xin lỗi gia đình tôi một câu nào.”

'Hành vi cố ý'?

Phản ứng trước bản cáo trạng, Kim Tiến nói: “Gia đình chúng tôi không đồng ý với những gì đã nêu ra trong bản cáo trạng.”

“Hành động của ông Nguyễn Văn Ninh là hành động cố ý giết người.”

“Ông Ninh là người trực tiếp đánh gây ra cái chết của bố tôi, còn những người dân phòng hôm đó là những kẻ tiếp tay cho những hành động hết sức vô trách nhiệm và không có đạo đức nghề nghiệp.”

Tuy nhiên, theo cáo trạng, những người dân phòng có mặt khi vụ việc xảy ra không tham gia đánh đập ông Trịnh Xuân Tùng mà chỉ ‘hỗ trợ ông Nguyễn Văn Ninh trong việc bắt giữ ’.

"Hành động của ông Nguyễn Văn Ninh là hành động cố ý giết người" Con gái nạn nhân

Gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng đã yêu cầu tòa án làm rõ hành vi của những người này.

Cô Kim Tiến tường thuật lại lời khai của một nhân chứng có mặt tại phiên tòa rằng “ông này đã nhìn thấy ông Ninh đã dùng cặp da đập vào gáy trước khi bẻ cổ” ông Tùng.

Bản khám nghiệm tử thi của Viện pháp y Quân đội kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ kèm theo liệt tủy.

Vụ án này gây bức bối cho dư luận trong nước.

Trả lời BBC từ bên ngoài tòa án ở Hà Nội, một người quan tâm, Nguyễn Tiến Nam, cho biết: “Đây là vụ án công an đánh chết người dân khi vào đồn công an nên tôi muốn xem nhà nước và pháp luật xử lý như thế nào.”

“Hiện tượng công an đánh chết người trong xã hội thời gian vừa qua thì rất nhiều. Đa số các vụ án đó không được xử lý đến nơi đến chốn.”

Trung tá Nguyễn Văn Ninh bị truy tố về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”.

Vụ án ông Trịnh Xuân Tùng được coi là tâm điểm của dư luận khi trước đó báo chí đăng tải phiên xử sẽ diễn ra hồi tháng 11/2011.

Vụ xô xát diễn ra xung quanh chuyện ông Tùng, người kiếm sống bằng nghề bán chim, không đội mũ bảo hiểm xe gắn máy.

Theo BBC

Kiến nghị khởi tố vụ phá nhà ông Vươn

Một trong số luật sư được xem là có tiếng nói mạnh trong các chủ đề nhạy cảm tại Việt Nam vừa đề nghị chính phủ khởi tố cho điều ông gọi là vụ hủy hoại tài sản công dân.

Trong thư đề ngày 13/01/2012, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (dân biểu Hải Phòng) chỉ đạo Bộ Công an xem xét việc khởi tố vụ án hình sự trong việc đánh sập ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn, tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Hủy hoại tài sản công dân

Luật sư Hải dẫn lời Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận "ngôi nhà của ông Vươn bị đánh sập không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế" và lý do đánh sập căn nhà là vì đây là “nơi trú ngụ của đối tượng chống cưỡng chế”.

“Chúng tôi đề nghị Cơ quan pháp luật Việt Nam khởi tố ngay vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi hủy hoại tài sản (của gia đình công dân Đoàn Văn Vươn)”

“Cần làm rõ về những người đã ra lệnh, đánh sập ngôi nhà” luật sư Hải nói trong thư.

Ông Hải cũng khuyến nghị cần mở rộng vụ án để xem xét việc thu hồi, cưỡng chế, giải quyết khiếu nại, khởi kiện có đúng pháp luật hay không.

Trong bức thư này, luật sư Trần Vũ Hải dẫn chiếu tới bốn điều trong Bộ luật Hình sự để xem xét trách nhiệm hình sự bao gồm tội lợi dụng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi thành công vụ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

"Cần làm rõ về những người đã ra lệnh, đánh sập ngôi nhà"LS Trần Vũ Hải

Bức thư cũng đề nghị các nhà báo, luật sư và các công dân khác lên tiếng yêu cầu các Cơ quan của thành phố Hải Phòng và các Cơ quan pháp luật làm rõ, điều tra vụ việc cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng.

Câu chuyện tại Tiên Lãng đang thu hút dư luận trong và ngoài nước về cách hành xử của quan chức Hải Phòng, nơi công an và quân đội được cử đến cùng súng ống để thi hành vụ "cưỡng chế giải tỏa" ở khu đầm tôm của nhà ông Đoàn Văn Vươn.

Đây không phải lần đầu tiên luật sư Hải gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan của chính phủ.

Vào tháng Sáu năm 2011, ông từng gửi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giải thích Điều 69 Hiến pháp về quyền biểu tình.

Hồi tháng Tư 2011, luật sư Hải cũng nằm trong nhóm các luật sư bào chữa cho Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ trong phiên sơ thẩm xử ông Vũ tội "Âm mưu Lật đổ chính quyền".

Được biết trong phiên xử đó, luật sư Hải đã bị chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát đưa ra ngoài trong khi ông đang tranh tụng.

Gần đây nhất, hôm 11/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 57/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm và yêu cầu xử nghiêm việc chống người thi hành công vụ.

Theo BBC

Thursday, January 12, 2012

'Phá nhà ngoài khu cưỡng chế vì kẻ gây án từng ẩn nấp'

Theo ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), khu nhà bị đập phá ở đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn nằm trong khu vực chưa bị cưỡng chế nhưng do các tay súng ẩn nấp ở đây để gây án nên phải đập bỏ.

Chiều 12/1, UBND TP Hải Phòng họp báo về vụ cưỡng chế dẫn đến nổ súng tại đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng liên tiếp nhận được câu hỏi có hay không việc thực hiện cưỡng chế nhầm đối với căn nhà 2 tầng của ông Vươn. Tuy nhiên, vị chủ tịch đã né tránh, chỉ cho biết toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Vươn bị thu hồi là 40 ha, trong đó 21 ha đang làm thủ tục thu hồi, còn 19,3 ha đã làm xong thủ tục. Ngày 5/1, huyện đã cưỡng chế 19,3 ha, ngôi nhà của ông Vươn nằm trên diện tích 21 ha còn lại, chưa bị cưỡng chế.

“Đường vào khu bị cưỡng chế (19,3 ha) phải đi qua khu vực nhà và vừa đến đây thì những kẻ chống đối đã cho nổ mìn, bắn súng vào lực lượng cưỡng chế nên phải tổ chức vây bắt”, ông Hiền trả lời.

Khi bị truy vấn vì sao khu nhà nằm trên phần đất nằm ngoài khu vực cưỡng chế song vẫn bị đập bỏ và giao cho UBND xã quản lý, Chủ tịch Hiền cho rằng “vì đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp” và “đến giờ chúng tôi còn chưa rõ khu vực này còn mìn hay không”.

Liên quan tới việc gia đình ông Vươn có được tiếp tục sử dụng, khai thác phần diện tích còn lại trong hơn 40 ha đầm, ông Hiền từ chối trả lời.

Hiện, toàn bộ 40 ha đã công an xã được giao nhiệm vụ canh giữ, rất nhiều thanh niên lạ mặt, mang hung khí túc trực ở đây 24/24h.


Trả lời câu hỏi về thời hạn giao đất cho các hộ dân ngoài đê biển thuộc khu vực Vinh Quang không thống nhất, chỉ từ 5 đến 14 năm, ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, UBND huyện Tiên Lãng đã căn cứ điều 29 Luật Đất đai năm 1987 để giao đất chưa sử dụng cho gia đình ông Vươn là phù hợp. Vì thời điểm ra quyết định giao đất cho ông Vươn (4/10/1993) là trước ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực (15/10/1993).

“Theo Luật đất đai 1987, việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp có thời hạn là phù hợp và luật này cũng chưa quy định chế độ cho thuê đất”, ông Sản nói.

Tại buổi họp báo, một số vấn đề cũng được đại diện TAND, Công an thành phố trao đổi. Về thỏa thuận được lập giữa ông Đoàn Văn Vươn và ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện (đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Tiên Lãng lập tại Tòa Hành chính - TAND thành phố Hải Phòng), ông Phạm Văn Phích, Phó chánh án TAND thành phố cho biết, việc thực hiện thủ tục này có sai sót. Nội bộ TAND thành phố sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý.

Ông Phích cũng cho hay, thẩm phán Ngô Văn Anh, người không được giao phụ trách vụ kiện này, đã lập biên bản thỏa thuận giữa các đương sự trong tư cách người được Chánh án ủy quyền.

Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.

Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nhìn nhận về việc giải tỏa cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.

Nguyễn Hưng- vnexpress.net

Cuộc chạy đua bao vây Iran

Tiễn Tổng thống Iran ông Mahmoud Ahmadinejad ra sân bay rời Cuba để bay sang Ecuador hôm 12/1, Chủ tịch Raul Castro nói chuyến thăm của người bạn Iran là rất tốt và hiệu quả.

Ông Admadinejad chia tay vị lãnh đạo Cuba trong tâm trạng phấn chấn, không kém gì lúc ông được gặp anh của ông Raul là Fidel Castro, năm nay 85 tuổi.

Cuba hoàn toàn ủng hộ chương trình nguyên tử “vì mục tiêu dân sự và hòa bình của Iran”, theo các hãng thông tấn trích lời lãnh đạo Cuba.

Cuba, nước bị cấm vận của Hoa Kỳ từ nửa thế kỷ qua, cũng chia sẻ cảm thông với Iran, nước đang bị Mỹ bao vây cô lập vì có tham vọng hạt nhân bị coi là không rõ ràng.

Nhưng không rõ Cuba có giúp được gì cho Iran về kinh nghiệm đối phó với bao vây kinh tế hay không.

Và dù được Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela ủng hộ, điều mà nhà lãnh đạo Iran đang phải đối mặt chính là khó khăn trong việc bán dầu và thu tiền về với các bạn hàng lớn ở châu Á.

Vận động Đông Tây

Chuyến thăm Tây Bán Cầu của lãnh đạo Iran diễn ra cùng thời gian Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Timothy Geither đến Đông Bắc Á để nói chuyện cũng về Iran.

Thăm Trung Quốc và Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục chính sách của Tổng thống Obama là vận động một liên minh rộng tối đa để đi đến chỗ thắt chặt gọng kìm trừng phạt Tehran.

Châu Âu, lại do Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy chủ trì, đang ráo riết nhắm vào cuộc bỏ phiếu, dự kiến vào cuối tháng đầu tiên của năm mới, để tăng các biện pháp cấm vận Iran.

Cuộc đọ sức Tehran và Washington cuối cùng cũng phải đến một đoạn so găng công khai.

"Vị thế cơ bản của Hàn Quốc là hợp tác với Hoa Kỳ"Bộ trưởng kinh tế Hàn Quốc

Nhưng cả hai đều cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ dù nhiều hay ít từ các nước khác.

Hoa Kỳ hiển nhiên không trông đ̣ợi Trung Quốc, nước đang nhập 1/3 sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran, dễ dàng ‘bật đèn xanh’ cho mọi hành động bủa vây hoặc tấn công Iran.

Nhưng Nhật Bản đã đồng ý đứng về phía Hoa Kỳ và giảm dần khoản dầu mua từ Iran.

Quan chức Nhật đã và đang nói chuyện với Ả Rập Saudi và Oman để chuyển nguồn cung ứng dầu.

Theo sau quyết định ngăn chặn chuyển khoản quốc tế với Iran do Tổng thống Obama ký, Tehran kẹt ngay 5 tỷ đôla ở các ngân hàng Nam Hàn.

Quan chức Nam Hàn cũng nói chuyện với các quốc gia bán dầu khác ở Trung Đông để rút dần khỏi nguồn dầu Iran kể từ tháng 7 này.

Tuần tới, Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik sẽ đến dự diễn đàn Năng lượng Tương lai tại Dubai và tiếp xúc với các quốc gia bán dầu trong vùng.

Dù không nói thẳng ra là Seoul ủng hộ Mỹ trừng phạt Iran, Bộ trưởng kinh tế Hàn Quốc, ông Hong Suk-woo được trích lời nói "vị thế cơ bản của Hàn Quốc là hợp tác với Hoa Kỳ".

Ấn Độ thì cử một đoàn đến Tehran từ 16 đến 21 tháng này nhằm nghiên cứu khả năng thanh toán cho Iran bằng cách nào đó mà không vi phạm lệnh cấm vận.

Vì dù các chính phủ có muốn phản đối hành động của Mỹ, quyết định của Hoa Kỳ và lệnh trừng phạt sắp tới của châu Âu sẽ làm cho các công ty nước ngoài gần như phải ngưng giao thương với Iran.

Hoặc nếu họ muốn tiếp tục làm thì phải tìm ra các cách khác, chắc chắn sẽ tốn kém hơn và nhiều rủi ro hơn để vận chuyển dầu và trả tiền cho Iran.

Trên thực tế, Trung Quốc đã giảm dần lượng dầu thô mua từ Iran vì một cuộc tranh tụng liên quan đến hợp đồng và cũng đang tìm nguồn cung ứng mới.

Ấn Độ, nước mua dầu nhiều thứ nhì từ Iran sau Trung Quốc, đang nhắm tới Iraq, Ả Rập Saudi và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) để chuyển hướng mua bán.

Dự kiến EU sẽ đồng ý về các biện pháp mới nhằm bao vây, trừng phạt Iran vào ngày 23/1.

Với đà này, giới quan sát thị trường dầu thô vùng Vịnh cho rằng Ả Rập Saudi có thể phải tăng sản lượng lên để đáp ứng nhu cầu từ các khách hàng mới.

Ngay bây giờ, điều có thể làm Iran có thể vui là một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp gấp rút đặt hàng mua dầu thô của Iran trước khi lệnh cấm vận mới có hiệu lực, dự kiến vào nửa sau của năm 2012.

Nhưng đây cũng là dấu hiệu đợt cấm vật này sẽ là một đòn mạnh, thậm chí mạnh nhất từ trước tới nay mà Phương Tây đánh vào Tehran, trước mắt là về kinh tế.

Theo bbc

Thu phí để cải thiện vấn nạn giao thông?

Tranh cãi về việc thu phí giao thông tại Việt Nam tiếp tục sôi động, với việc báo chí ngành giao thông ủng hộ, trong khi nhiều người lo ngại và chỉ trích.

Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng vừa đề xuất lên Quốc hội bổ sung thu phí lưu hành xe, một giải pháp "đảm bảo công bằng xã hội", đặt tâm điểm cho sự chú ý của dư luận.

Theo đó, mức phí thấp nhất với ôtô tùy loại là 20 triệu đồng/năm và cao nhất là 50 triệu đồng/năm. Đối với xe máy là từ 500.000 đến 1 triệu đồng một năm.

Công bằng xã hội?

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đề xuất này là giải pháp “đảm bảo công bằng xã hội” để cùng nhà nước xây dựng hạ tầng.

Báo Giao thông Vận tải, cơ quan ngôn luận của bộ, tích cực đăng các bài viết bảo vệ mạnh mẽ ý tưởng này.

Đáng lưu ý nhất, tờ báo dẫn lời bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội, rằng “có thể nói, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc thu các loại phí này”.

Khi được hỏi thẳng về ý kiến cá nhân, bà Nga nói: “Tôi cho rằng trước hết chỉ nên thu phí lưu hành với ô tô. Chưa nên thu phí xe máy.”

Qua đó, dường như có thể thấy ý tưởng của Bộ trưởng Đinh La Thăng đang chinh phục một phần chính giới.

"Người dân sẽ được hưởng cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, đảm bảo sự công bằng cho xã hội."

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Bản thân ông Đinh La Thăng cũng rất tự tin khi phát biểu trên Đài Tiếng nói Việt Nam mới hôm 10/01.

Ngoài việc giảm ùn tắc, ông nói: “Người dân sẽ được hưởng cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, đảm bảo sự công bằng cho xã hội, Nhà nước có thêm nguồn thu để đầu tư vùng sâu vùng xa cho các công trình giao thông nông thôn, ven biển và biên giới.”

Phản biện của chuyên gia

Dù vậy, trong công luận vẫn nhiều người không đồng tình

Giới phân tích cho rằng đề xuất thu phí này của bộ GTVT không thực tiễn vào thời điểm hiện nay ở Việt Nam.

Nói với BBC, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc thu phí vì mục tiêu giảm ùn tắc giao thông là không đúng, không thành công và không đạt được kết quả.”

Ông cũng bác bỏ nguyên nhân gây ùn tắc giao thông do quá tải số lượng các phương tiện lưu hành, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Ước thu của Bộ GTVT đối với ôtô sẽ đạt khoảng trên 15.000 tỷ đồng/ năm.

Trong đó, 1,5% số thu đối với ôtô và 5% với xe máy sẽ dành cho cơ quan quản lý thu phí lưu hành. Phần còn lại để tạo nguồn chi cho các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ngày hôm nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng dự kiến có phiên giao lưu trực tuyến trên trang web chính phủ, trong đó ông sẽ trả lời về việc thu phí giao thông.

Theo BBC

Bộ trưởng Thăng: 'Tôi được sự đồng thuận của dân'

'Sau 5 tháng làm bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và đặc biệt là sự quyết liệt, đồng thuận của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chiều 12/1.
VnExpress
trích đăng trả lời phỏng vấn trực tuyến của Bộ trưởng Đinh La Thăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

- Thưa ông, tại sao Bộ Giao thông Vận tải không hỏi ý kiến người dân trước khi trình Chính phủ đề án phí lưu hành phương tiện?

- Để trình đề án này, chúng tôi có căn cứ là báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách giảm thiểu tai nạn và ùn tắc. Quốc hội đã ra nghị quyết, trong đó nhất trí thông qua các giải pháp của Chính phủ về giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ để đề nghị Quốc hội bổ sung phí và lệ phí, trong đó có phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Thứ hai, đây không phải sáng kiến mới của Bộ mà là thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ xây dựng đề án.

- Tại sao Bộ lại đề xuất thu phí lưu hành phương tiện theo cách "cào bằng" đầu xe cùng mức mà không theo lưu thông thực tế, phân biệt xe mới, xe cũ?

- Chúng tôi tính toán rất kỹ để xây dựng đề án này, không cào bằng, có tính toán thực tiễn tình hình giao thông, thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và tham khảo các nước thế giới. Phí lưu hành xe máy phân ra 2 loại, cho người đi xe dưới 175 phân khối đóng 500.000 đồng, tính ra mỗi tháng 46.000 đồng, tương đương 2 lít xăng là phù hợp. Xe trên 175 phân khối thu một triệu đồng.

Còn ôtô phân ra các mức khác nhau, một năm trung bình là 20 triệu đồng, một tháng đóng chưa hết 2 triệu, phù hợp với người sử dụng phương tiện. Có phân chia các mức độ cho phù hợp với từng nhóm người.

- Chủ ôtô đã đóng góp nhiều vào ngân sách thông qua hình thức nộp thuế, giờ lại phải thêm gánh nặng phí lưu hành. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chính phủ chưa ban hành mức thu phí. Sau khi Thường vụ Quốc hội quyết định thì Chính phủ mới ban hành. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông cần tổng thể các giải pháp đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có việc rà soát lại tất cả quy hoạch phát triển, quy hoạch sản xuất rồi quy hoạch lắp ráp, nhập khẩu ôtô... Từ đó, Chính phủ mới đề ra giải pháp, trong đó có giải pháp về kinh tế là thu phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn. Việc thu này đảm bảo công bằng, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mức 500.000 đồng/năm, còn đối với người đi bộ, xe đạp không phải nộp.

Nói về chuyện bình đẳng hay không khi những người đi ôtô nộp nhiều thuế, tôi cho rằng, chúng ta cũng phải đặt ngược lại vấn đề. Người dân ở vùng sâu, biên giới hải đảo, họ làm gì để nộp thuế. Nhưng công sức bảo vệ biên giới của họ thì không thể tính bằng tiền. Anh có thể nộp ngân sách hàng năm, hàng tháng nhưng sự hy sinh của những người nơi biên giới, của người nông dân làm ra hạt gạo… thì có tính được không? Thực tế, về sử dụng hạ tầng giao thông, họ luôn bị thiệt thòi.

Nếu mình không thu phí này, tạo thêm nguồn thu, chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì không có tiền đầu tư cho giao thông nông thôn, đường ven biển, đường tuần tra biên giới… Do vậy tôi nghĩ, nếu nói bình đẳng thì chúng ta phải hiểu một cách đầy đủ như vậy.

- Bộ trưởng đã hứa thực hiện 3 khâu đột phá (đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông), vậy đã có tiến triển gì trong cả 3 lĩnh vực?

- Ngành đang tiếp tục thực hiện 3 nội dung đột phá đó, không phải một thời gian ngắn giải quyết được. Đây là vấn đề lớn cần sự vào cuộc của toàn dân. Nhưng tôi cũng hết sức hài lòng, sau 5 tháng nhận chức Bộ trưởng đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Tôi hàng ngày nhận được rất nhiều ý kiến qua điện thoại, email, thư bày tỏ sự ủng hộ, tất nhiên cũng có cả những người phản đối.

Về kết quả cụ thể, cần có thời gian. Đầu tư một cây cầu, một con đường, xử lý ùn tắc giao thông… cần một loạt giải pháp để triển khai thực hiện và cần thời gian thì mới khẳng định được kết quả, chứ sau 5 tháng mà làm được ngay thì tôi giỏi quá.

- Khi “trảm tướng”, yêu cầu tăng tốc hoàn thành dự án cảng hàng không Đà Nẵng, quốc lộ 18, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình..., Bộ trưởng trực tiếp phải đi đốc công, tại sao không để các thứ trưởng làm việc đó?

- Tôi thấy rằng đã là người đứng đầu ngành, không chỉ ngành giao thông, khi đi kiểm tra công việc thì phải có ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ, thậm chí có biện pháp xử lý tình thế để công việc tốt hơn, chứ không phải chỉ khi có vấn đề thì bộ trưởng mới "ra tay". Có người nói bộ trưởng là chính khách, phải làm chính trị, phải làm việc lớn chứ sao lại làm thay việc của đốc công? Tôi cho rằng bộ trưởng phải làm cả việc lớn, cả việc nhỏ.

Ví dụ tôi đến nhà anh chơi, thấy anh đang quét nhà, không lẽ tôi bảo vợ ông này hỏng, vì chẳng nhẽ anh không thể giúp vợ rửa bát hay quét nhà. Theo tôi, bộ trưởng làm cả việc lớn và việc nhỏ, miễn là việc đó có lợi cho tập thể, cho đơn vị, cho đất nước.

- Bộ trưởng nghĩ thế nào về khả năng mất chức vì đã đưa ra hàng loạt giải pháp khá quyết liệt?

- Sau 5 tháng làm bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, xã hội và đặc biệt là sự quyết liệt, đồng thuận của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành. Dù cũng xin nói lại là các giải pháp này đã được đặt ra từ 10 năm nay nhưng không ai làm và tôi chưa có sáng kiến gì cả.

Về việc sợ có mất chức không, tôi xin trả lời rằng vừa rồi Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một người nông dân gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Bức thư có đoạn: "Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó, Quốc hội có phế truất, không cho ông làm Bộ trưởng nữa, thì ông hãy về với chúng tôi, chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn".

Cho nên tôi hết sức thanh thản, làm được gì cho đất nước, cho ngành, tôi sẽ hết sức làm, theo như lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì hết sức tránh.

Đoàn Loan ghi- vnexpress.net

Sunday, January 8, 2012

Putin và Medvedev có chịu đổi nhà?

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga tới đây theo dự kiến có thể sẽ chứng kiến việc thủ tướng Nga Vladimir Putin ra tranh cử chức vụ Tổng thống và không ngoại từ khả năng cựu tổng thống qua hai nhiệm kỳ sẽ giành được "thắng lợi."

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp đó, nếu ông Putin và đương kim tổng thống Dmitri Medvedev hoán đổi chức vụ, liệu họ có hoán đổi các đặc quyền vật chất mà trong đó là các dinh thự sang trọng, tiện nghi đang hưởng hay không. Đây có thể sẽ là một câu hỏi chưa có ngay câu trả lời, theo BBC Tiếng Nga.

Về mặt chính thức, Tổng thống Nga có bốn dinh thự: điện Kremlin ", "Gorki-9" ở khu vực tinh tú và cao cấp Rublevka ở Moscow, "Bocharov Ruchei" ở Sochi ngay trên bờ Biển Đen, và" Dolgie Borody" tại Valdai ở trung bộ nước Nga.

Thủ tướng Nga, mặt khác, có hai nơi cư trú chính thức: "Novo-Ogaryovo" tại Moscow và "Riviera" và một nhà nghỉ ở Sochi. Nhà nghỉ này có thể nhỏ hơn dinh thự "Bocharov Ruchei", nhưng được cho là có một hồ bơi và phòng tắm hơi.

Ngoài ra, người ta cũng được biết có một số cung điện, lâu đài và dinh thự khác rải rác trên khắp nước Nga, được dành riêng cho thời gian thư giãn và giải trí của các quan chức chính phủ.

Vladimir Kozhin, Chánh văn phòng Tổng thống, gần đây loan báo việc xây dựng một dinh tổng thống mới là "Yantar", vốn đã được hoàn thành ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania trên bờ biển Baltic.

Người lên làm Tổng thống tới đây chắc chắn sẽ tiếp tục "kết hợp công việc với thú vui giải trí," theo BBC Tiếng Nga.

Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Medvedev từng dừng kỳ nghỉ của mình ở khu nghỉ mát trên Biển Đen là Sochi để tới gặp Thủ tướng Putin trên sông Volga.

Người ta đã thấy xuất hiện cảnh quay một "cuộc hội ý" của hai lãnh đạo, trong bối cảnh của một chuyến dã ngoại câu cá và thư giãn bằng du thuyền.

Khi đó, Tổng thống Medvedev được thấy xuất hiện với một bộ đồ đi câu và bơi lội "ướt sũng" với một máy ghi hình chuyên dụng dưới nước gắn kèm.

Tại Nga, các dinh thự và nhà riêng của Tổng thống không mở cửa cho công chúng, mặc dù chúng đều được xây dựng, mua, phục hồi, tân trang, duy tu, bảo dưỡng v.v... dựa trên tiền nộp thuế của dân.

"Vương giả hơn phương Tây"

Chi phí hoạt động và duy trì các dinh thực của Tổng thống không bao giờ được tiết lộ, và tất cả các thông tin về chúng vẫn còn lưu giữ bảo mật chặt chẽ.

Mùa đông năm ngoái, cộng đồng mạng Internet của Nga đã sôi nổi thảo luận khả năng các quan chức Nga và các doanh nhân có thể có những biệt thự bí mật cũng như các cung điện.

Bán nguyệt san "Kommersant-Dengi" còn xuất bản một bài viết dài về chủ đề này, bao gồm thông tin về các dinh thự hiện hữu của Tổng thống Nga và Thủ tướng Chính phủ, và những cơ sở khác đang được xây dựng.

Tờ báo tính toán sơ bộ có tới 26 dinh thự đang được ở hoặc đang được xây cất, giữa hai người.

Và có vẻ như con số 26 này là quá nhiều khi so sánh đặc lợi, ưu đãi của hai nguyên thủ Nga với các đồng nhiệm ngay tại châu Âu.

Có một ngoại lệ, theo ước tính không chính thức, Tổng thống Ukraine, một quốc gia cựu cộng sản trong Liên Xô cũ, có nhà ở nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu nào khác.

Phủ Tổng thống Ukraine từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào về vấn đề này. Tuy nhiên, năm 2005, Chánh văn phòng Phủ này, Ihor Tarasyuk, cho biết vị nguyên thủ quốc gia, tổng thống Victor Yanukovych, có số nhà ở lên tới 12. Ngoài ra, còn có dinh thự sang trọng mới khác được xây dựng cho tổng thống.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp và Thủ tướng có số nhà ở ít hơn so với các đối tác Nga của họ.Thật vậy, vẫn theo quan sát của BBC Tiếng Nga, Thủ tướng Pháp Francois Fillon chỉ có một nơi cư trú - điện Matignon ở Paris.

Tổng thống Nicolas Sarkozy đón tiếp khách nước ngoài tại cung điện Elysee, Hotel de Marigny, và Fort de Bregancon (nhà nghỉ của tổng thống).

"Chức năng, nội dung của các khu dinh thự đều giống nhau là người ta có thể sống và làm việc ở đó... tôi không nghĩ rằng bất kỳ việc di dời nào là cần thiết"

Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Nga Kozhin

Ngoài ra, người đứng đầu lưỡng viện của Quốc hội và nhiều Bộ trưởng được hưởng nhà ở tư nhân.

Song từ năm 2009, dinh thự lâu đài Rambouillet Castle gần Paris, trước đây là nơi nghỉ hè của Tổng thống, đã được dùng làm một viện bảo tàng. Souzy la Briche, một động sản trong vùng Ile-de-France hiện đang được cho thuê, để thích hợp hóa với việc cắt giảm ngân sách chính phủ.

Trong số nhà ở và bất động sản của Nữ hoàng Anh là: Buckingham Palace, Windsor Castle, Palace Holyroodhouse ở Edinburgh và lâu đài Balmoral. Tất cả trong số đó đều mở cửa cho công chúng trong suốt mùa hè, nếu không có thành viên của gia đình Hoàng gia hiện diện tại nơi cư trú.

Danh sách nhà ở, bất động sản và cung điện của Hoàng gia còn dài hơn nữa, tuy nhiên đã không còn du thuyền hoàng gia nữa. Năm 1997, 'the Britannia' đã ngừng hoạt động do chi phí bảo dưỡng cao.

Thủ tướng David Cameron có hai nơi ở: Số 10 Downing Street, và một nhà nghỉ Chequers ở Buckinghamshire.

Tổng thống Mỹ Barack Obama có dinh thự chính thức ở tòa Bạch Ốc ở Washington, cùng một nhà nghỉ tại Trại David ở Maryland. Blair House cũng được sử dụng cho việc tiếp nhận khách nước ngoài.

Tổng thống và thủ tướng của Đức mỗi người có một dinh thự. Tổng thống có điện Bellevue Palace ở Berlin và biệt thự Hammerschmidt Villa ở Bonn. Tòa biệt thự Bonn của ông đã được gọi "Nhà Trắng ở Đức" do của nó có phong cách kiến trúc tương tự như dinh thự Bạch Ốc của Tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể ở tại dinh thự Bundeskanzleramt và Schomburg Palace ở Bonn, nhưng bà thích sống với chồng trong một căn hộ tư nhân cạnh Bảo tàng Pergamon tại Berlin.

"Không cần di chuyển?"

Như thế, xem ra, các lãnh đạo Nga, quốc gia cựu cộng sản và thành viên chính của Liên Xô cũ, có vẻ có những đặc quyền còn "vương giả" nhiều hơn lãnh đạo ở các quốc gia "tư bản xịn" phương Tây.

Đó là chưa kể tới một kế hoạch mới, mà trong tháng 1 năm 2011, Viktor Khrekov, người phát ngôn chính thức của Phủ Tổng thống đã xác nhận việc sẽ mua một du thuyền bề thế phục vụ cho việc tiếp các vị khách quý, như tại Thế vận hội Olympic 2014 ở Sochi.

Tuy nhiên, ông này từ chối tiết lộ giá cả của chiếc du thuyền hoặc tên của nhà sản xuất.

Còn khi được hỏi về việc nếu có sự hoán chuyển quyền lực giữa hai ông Putin và Medvedev, liệu hai ông có cần phải hoán chuyển "nhà ở, dinh thự" hay không, sau khi ông Putin có thể tái cử Tổng thống vào tháng ba, ông Kozhin, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống cho biết:

"Chức năng, nội dung của các khu dinh thực (cho hai vị lãnh đạo) đều giống nhau là người ta có thể sống và làm việc ở đó," ông nói.

"Cả hai nơi đều có tất cả các loại phương tiên, thiết bị giao tiếp. liên kết, tất cả mọi thứ mà các Tổng thống của nước Nga đòi hỏi phải có để thực hiện sứ mạng của mình, tôi không nghĩ rằng bất kỳ việc di dời nào là cần thiết," Kozhin khẳng định.

Theo BBC

Phản ứng vụ cưỡng chế đất Hải Phòng

Giám đốc công an và Chánh án Tòa án nhân dân Hải Phòng lên tiếng xung quanh vụ sáu công an và quân nhân bị bắn trong vụ thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng hôm 5/1 giữa lúc người ta đặt câu hỏi về tính pháp lý của việc cưỡng chế thu hồi.

Trang tin VnExpress dẫn lời ông Đào Hữu Ca, Giám đốc công an Hải Phòng nói đáng ra "tổ công tác huyện phải cho rút quân ngay để xin ý kiến chỉ đạo" nhưng "lãnh đạo công an huyện cùng một số cán bộ vẫn áp sát ngôi nhà dẫn đến hậu quả bốn cảnh sát và hai quân nhân bị trúng đạn hỏa cải phải đưa đi cấp cứu."

Ông Ca cũng nói sau khi sự cố xảy ra và nhận được đề nghị giúp đỡ của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng đã điều tới hai trung đội cảnh sát đặc nhiệm cùng các lực lượng cảnh sát bảo vệ của công an đến phối hợp cùng bộ đội biên phòng nhằm giải quyết vụ việc.

Người đứng đầu công an Hải Phòng cũng nói: "Trong các vụ cưỡng chế việc chuẩn bị lực lượng cũng như máy móc khá cần thiết.

"Tuy nhiên từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính.

"...Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế."

'Vi phạm thủ tục'

Trong lúc đó báo chí Việt Nam cũng đang đặt ra những câu hỏi liên quan tới giá trị pháp lý của các văn bản mà nhờ đó bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng liên quan tới vụ thu hồi đất có hiệu lực.

Báo Pháp Luật nói một số hộ dân ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng đã kiện ủy ban nhân địa phương ra tòa về quyết định thu hồi đất đầm thủy sản tại xã nhưng hồi năm 2009 Tòa án nhân dân Tiên Lãng đã bác đơn kiện và giữ nguyên quyết định thu hồi đất của chính quyền.

Các hộ dân sau đó đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, cấp đã lập "Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án" dưới sự giám sát của Thẩm phán Ngô Văn Anh hồi tháng Tư năm 2010.

Các hộ dân trong đó có ông Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân đã gặp gỡ đại diện Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng.

Tờ Pháp Luật nói các hộ dân giải thích rằng họ được huyện Tiên Lãng giao đất, chứ không phải cho thuê và nói rằng theo Luật Đất đai, đất nuôi trồng thủy sản được giao 20 năm.

"Nếu nguyên đơn rút đơn kháng cáo, ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thủy sản." Đại diện chính quyền Tiên Lãng

Báo Đất Việt lại nói các hộ dân không đồng tình với quyết định thu hồi đất vì "trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản chỉ có thời hạn giao đất 4 - 15 năm nhưng hợp đồng của nhiều hộ, ký thời điểm 1997 đã ghi lùi thời hạn áp dụng từ 1993."

Đất Việt cũng nói theo biên bản mà Tòa án Hải Phòng lập, đại diện huyện Tiên Lãng nói "nếu nguyên đơn rút đơn kháng cáo, ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thủy sản".

Các nguyên đơn sau đó đã rút kháng cáo, thẩm phán Ngô Văn Anh quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và điều này, theo Đất Việt, đồng nghĩ với việc bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng có hiệu lực thi hành.

Dựa trên cơ sở bản án sơ thẩm này, chính quyền đã quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn hôm 5/1.

Nay Chánh án Tòa án nhân dân Hải Phòng Nguyễn Thị Mai được Đất Việt dẫn lời nói rằng việc "căn cứ vào biên bản thỏa thuận để "vận động" nguyên đơn rút kháng cáo, đi đến việc ra quyết định đình chỉ vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng hành chính.

Bà Mai cũng nói sẽ yêu cầu thẩm phán Ngô Văn Anh có giải trình về vụ việc.

Ông Anh cũng được tờ Pháp Luật dẫn lời trả lời bằng văn bản hôm 25/6/2010 sau khi ông có kiến nghị về việc chính quyền đòi thu hồi đất:

"Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án... Để được thuê đất, ông cần làm đơn gửi Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng."

Báo Đất Việt hôm 7/1 cũng dẫn lời Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tiên Lãng Lê Văn Hiền nói "do hết thời hạn giao đất nên việc thu hồi đất không gắn với việc đền bù, bồi thường công tôn tạo tu bổ, bồi trúc vào đất".

Trong khi đó bài của báo Đời sống và Pháp luật đăng ngày 22/07/2010 biểu dương tinh thần chắn sóng lấn biển để làm kinh tế của ông Đoàn Văn Vươn dường như không còn truy cập được nữa.

Tuy nhiên bài này đã được một số bloggers chép lại và nội dung của bài cho thấy ông Vươn đã mất nhiều năm tháng, công sức và tiền bạc để có được các khu đất ven biển hiện nay.

Báo chí trong nước cho tới nay đưa tin ông Vươn "khai nhận đã chỉ đạo người sử dụng vũ khí nóng tấn công lực lượng cưỡng chế" nhưng tin này không thể được kiểm chứng độc lập.

BBC cũng đã tìm cách liên hệ với hộ ông Vũ Văn Luân, một hộ khác có tham gia vào quá trình kiện tụng phản đối thu hồi đất nhưng không liên hệ được.

Nhiều bình luận trên mạng nói họ không đồng tình với các giải quyết vấn đề của các chủ đất trong vụ này nhưng cũng nói "con giun xéo mãi cùng quằn".

"Anh Vươn đã sống chết với những gì là mồ hôi, xương máu và nước mắt của gia đình mình đã phải bỏ ra trong 20 năm qua." Công dân mạng Thanh Dung

Một công dân mạng có tên Thanh Dung viết:

"Anh Vươn đã sống chết với những gì là mồ hôi, xương máu và nước mắt của gia đình mình đã phải bỏ ra trong 20 năm qua.

"Trời ơi 20 năm chứ có phải ít đâu, nửa đời người ta mới gây dựng được chứ đâu phải dễ dàng gì, vậy mà lại bị cưỡng chế, thu hồi, thật không thể tưởng tượng được."

Giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca trong khi đó lại bình luận rằng "nhiều khả năng biết trước khu vực rộng 500 ha này sẽ là tâm điểm xây sân bay trong thời gian tới" nên ông Vươn "cố gắng giữ lại để mong được đền bù cao".

Cho tới nay chính quyền Tiên Lãng chưa có bình luận gì về chuyện họ đã hứa sẽ "tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất" nếu rút đơn kiện quyết định thu hồi đất của chính quyền huyện lên tòa án thành phố nhưng sau đó lại không giữ lời hứa này.

Hình 1: Chính quyền Tiên Lãng đã cưỡng chế thu hồi đất dù trước đó hứa "sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê" để khỏi bị kiện

Hình 2: Dường như không còn truy cập được vào bài báo từng ca ngợi Đoàn Văn Vươn.

Theo BBC

Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển

Đã biết về anh cách đây mấy năm, biết về cuộc đời đầy sóng gió và bão táp, biết cả những nỗi đau và day dứt hằn sâu tâm can con người anh, nhưng tôi chưa có dịp tìm hiểu sâu về cuộc đời nhiều bi hùng ấy. Trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi lại có dịp về Tiên Lãng, đúng vào ngày có dự báo cơn bão Conson chuẩn bị đổ bộ vào nước ta, để ngồi với anh, nghe anh kể về cuộc chinh phục lời nguyền của biển...

Chinh phục "thần" biển

Câu tôi nói vui với anh, ngay khi biết về những việc anh đã làm, là cái tên anh nó vận vào đời anh nhiều quá. Anh tên là Đoàn Văn Vươn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, T.P Hải Phòng. Dường như, khi cha mẹ sinh ra anh đã có dự cảm về cuộc đời đứa con mình nên đã đặt cho anh cái tên lạ lạ: Vươn. Cái tên như gửi gắm một hi vọng: anh sẽ vươn ra biển khơi, chinh phục cuộc đời, chinh phục biển cả để thoả lòng mong mỏi của người cha già với nguyện ước "con hơn cha, nhà có phúc".

Đối với người dân vùng biển, biển luôn là người mẹ nuôi dưỡng những khát khao. Biển cũng là nguồn tài nguyên thuỷ hải sản vô giá và cũng là nỗi lo sợ, ám ảnh trước những cơn bão tố. Một trận cuồng phong có thể san bằng tất cả! Hơn ai hết, Đoàn Văn Vươn, người con của một vùng biển nghèo hiểu rõ điều đó. ở tuổi hừng hực chí trai, sức trẻ, anh đã đầu quân đi bộ đội. Môi trường quân đội đã thêm một lần nữa rèn giũa ý chí, nghị lực cho anh. Rời quân ngũ năm 1986, trở về địa phương, anh chỉ có một khát khao duy nhất, chinh phục chính miền đất quê mình để làm kinh tế. Để có cái ăn, để có cái mặc. Mặc dù đã nhanh chóng trang bị kiến thức bằng một tấm bằng đại học Nông lâm, nhưng anh lại từ chối làm cán bộ Nhà nước. Từ bỏ mộng quan trường ở thời điểm đó là một quyết định “lạ đời”, nhất là khi có bằng cấp trong tay. Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một người nông dân thực thụ. Quyết làm một điều mà trước anh không ai dám nghĩ đến, chứ đừng nói là bắt tay làm.

Bỏ bằng đại học đi làm nông dân

Tiên Lãng có một địa danh gắn với sự dữ dội của biển và nghèo khó của con người: cống Rộc. Mỗi mùa mưa bão đến, sóng biển, gió biển ào ạt ngập lụt, đói kém thì sự cùng cực mà người dân nơi đây phải gánh chịu, phải chống đỡ trong kiệt quệ tinh thần, vật chất không gì diễn tả nổi. Trên một con đê trải dài ngút ngát, cống Rộc như một hiệp sỹ dũng cảm đối đầu với biển cả để bao bọc, chở che cho những người dân trót gắn đời mình vào phận biển. Nhưng sức mạnh khủng khiếp của thiên tai đã không biết bao lần bắt cống Rộc phải đầu hàng và cũng vì thế nó thành nỗi khiếp sợ mỗi khi bão biển, nước biển vượt qua phòng tuyến này. Lúc đó chỉ là mênh mông trời nước. Lòng người cũng dậy sóng theo từng con nước lớn.

Hiểu rõ điều đó, Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục "thần" biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản. Chuyện đời, đâu dễ như nói.

Bằng cách nào để khuất phục biển? Đó là câu hỏi ngày đêm Đoàn Văn Vươn trăn trở. Anh đã bỏ hàng tháng trời để ăn biển, nằm biển, lắng nghe từng cơn sóng thuỷ triều lên, xuống, mải miết tìm đáp án. Không có sách vở nào dạy, không có kinh nghiệm tiền lệ nào để học theo. Chỉ có một điều đang dần lớn lên - Đó là ý chí. Bão lòng người đang dần lớn hơn bão biển. Nó dường như muốn phá tung khao khát đang bùng cháy trong anh. Đoàn Văn Vươn đối diện với hàng ngàn thách thức, suy tư. Khi đã hiểu rõ quy luật con nước, hiểu rõ thời điểm nào cần "ra tay" để bắt đầu, thì anh vấp phải không ít sự dèm pha.

Cái sự dám khuất phục "thần" biển của Đoàn Văn Vươn chả hiểu thế nào lại lan ra khắp vùng, lan ra cả các địa phương khác, trong đó có vùng đất Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Anh kể: "Lúc đó có một người chuyên khai thác các vùng đất ven biển của huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, để làm ăn. Khi biết tôi có ý định chinh phục vùng biển quê Tiên Lãng này, người ấy đã thông qua nhiều người thách thức tôi, rằng nếu tôi làm được, sẽ sẵn sàng mất cho tôi một chiếc xe máy đẹp. Người ấy mỉa mai, diễu cợt việc làm của tôi. Người vùng biển, nói là làm, người kia thách thức tôi chắc vì nghĩ tôi không làm nổi. Mặt khác, tôi hiểu đây còn là một sự thách đấu. Lúc đó, một chiếc xe máy đẹp có thể ví như con xe Camry bây giờ. Người thách đấu tôi không sợ, chỉ sợ Trời thách đố tôi thôi", anh nói, mắt nhìn xa xăm. "Đã thế tôi càng quyết tâm làm".

Đã có người bảo Vươn dại như con vích. Một con vật kỳ lạ của biển, là hay lôi ngược lại người ta. Nếu muốn bắt nó vào bờ, thì thay vì lôi nó vào bờ, người ta lôi nó ra... biển để nó đi theo chiều ngược lại. Cũng có người bạo mồm nói, thằng Vươn dám đi khuất phục "thần" biển là việc làm mạo hiểm.

"Vui sao nước mắt lại trào"

Nhiều năm trờiN, người dân nơi đây chứng kiến Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng quần quật lao vào cuộc trường chinh lấn biển. Có khi hôm trước làm, hôm sau sóng biển san thành bình địa. Hôm sau nữa lại làm, sóng biển lại biến sức người thành bong bóng. Có khi nhìn thấy ít đất, đá còn bám trụ sau con sóng mà rơi nước mắt, Vươn đã tự đặt câu hỏi, thế này thì đến bao giờ? Hay là mình thất bại? Cứ thế, cứ thế, từng hạt đất bám trụ, từng viên đá trơ gan bám trụ là lại thêm một tia hi vọng. Một ngày trôi qua là khắc khoải chờ đợi một ngày mới, công sức bỏ ra không biết bao nhiêu mà kể hết.

Nói với chúng tôi, anh bồi hồi nhớ lại: "Nếu tính sơ sơ, đã có trên 20.000 m3 đất, đá được đưa đến đây, trên vùng đất ven biển Tiên Lãng mà các anh đang đứng trong cuộc chinh phục biển cả của tôi. Nói ra chính tôi cũng ngỡ ngàng, tôi làm như mê, như say. Bởi chỉ còn phía trước để tiến, chỉ còn biển để vươn ra. Tôi không có đường lùi, bởi thành công chỉ có cách duy nhất với tôi, đó là vươn ra biển".

Ngoài hàng chục ngàn m3 đất, đá đó, là biết bao sức người, sức của. Vừa lấn biển, chỉnh trị dòng nước triều dâng, vừa trồng cây bám đất, đã biết bao lần cây trồng lên lại bị biển nuốt trôi. Mất sạch. Tiếp tục trồng lại từ đầu, hàng ngàn cây bần, cây vẹt đã theo con sóng lẫn vào trùng khơi. Tiếp đó, không chỉ đất đá, hàng trăm tấn xi măng được đưa vào để tiếp thêm sức gắn kết thô mộc của đất và đá... Cuối cùng Trời không phụ lòng người, dòng chảy của biển ngoài đê biển cống Rộc đã bị khuất phục mà chuyển hướng. Phía chân đê có chỗ sâu gần 2 m, cốt âm, đã được nâng lên cốt dương. Từ đó hàng chục héc ta đất bãi bồi ven biển hình thành. Cũng theo đó, gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Không có tiếng vỗ tay.

Ngày nhìn thấy thành công trong mắtN, trong lòng, thoả khát khao của ước mơ ngàn đời "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", lại là ngày nước mắt ầng ậc tuôn trào. Một nỗi đau câm nín, ngày đón nhận sự thành công mà có người đã nói là không tưởng đó, Đoàn Văn Vươn đã một mình đi lang thang ven biển. Đi trên chính phần đất bồi ven biển mà công sức anh đã tạo nên. Một mình vừa đi vừa lẩm nhẩm gọi tên đứa con gái xinh xắn dễ thương của mình, để tưởng nhớ đến nỗi đau và mất mát của riêng anh. Con gái anh, đứa con gái 8 tuổi ngây thơ và thân thương, nó cũng mang trong mình dòng máu chinh phục biển cả của bố đã vĩnh viễn ra đi. Và lý do cũng chính vì con nước biển trào dâng dẫn đến việc cháu chết đuối ở cống Rộc, trong chính những ngày bão tố ầm ầm, khi đó cũng là lúc anh đang chinh phục biển. Nỗi khiếp đảm khi nhắc lại chữ cống Rộc với người dân xứ này giờ trở nên thanh bình kỳ lạ. Anh đã thành công, cống Rộc trở nên yên ả trước phong ba, bão tố. Còn anh, một mình hứng nỗi đau câm lặng.

Anh không nói, nhưng vị đồng nghiệp đi cùng bảo, sự thành công trong việc trồng rừng chắn sóng, lấn biển của anh đã khiến người Nhật quan tâm. Một số chuyên gia nguời Nhật cũng đã tìm đến anh để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Ngẫm ra, anh cũng là bậc kỳ tài rồi. Vậy mà 3 năm gặp lại, kể từ ngày biết anh, anh vẫn thế, mộc mạc và thuần hậu. Những việc anh làm có trời biết, đất biết. Còn việc đời và mất mát của anh, tôi cũng chỉ chia sẻ được phần nào. Bởi có những lúc, lòng người còn dậy sóng hơn biển cả. Đứng với anh trên con đê nơi có cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh, mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông...

Theo:http://www.webcitation.org/64WYroh6R
(bài đã bị xoá từ http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=22&ID=5116 )

Hình 1: Ông Vươn cùng tác giả.

Hình 2: Ông Đoàn Văn Vươn.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More