Wednesday, January 18, 2012

Nhiều trang web phản đối dự luật chống đánh cắp bản quyền của Mỹ

Nhiều trang nhà và đường dẫn liên kết đã 'tắt đèn' để đón người truy cập tại Hoa Kỳ ngày hôm nay, trong lúc nhiều trang web lớn bày tỏ phản đối dự luật chống đánh cắp bản quyền đang được quốc hội Hoa Kỳ xem xét.

Trang bách khoa toàn thư Wikipedia bôi đen trang mạng tiếng Anh trong 24 tiếng đồng hồ, cùng với trang blog Boing Boing.

Trang tin xã hội Reddit dự tính 'tắt tối đèn' một khoảng thời gian trong ngày hôm nay, còn trang tìm kiếm rất phổ biến là Google đã thay logo giao diện thường mang nhiều màu sắc bằng một vạch kiểm duyệt màu đen.

Đó là một phần của các hoạt động phản đối trên mạng đối với Dự luật chống đánh cắp bản quyền trên mạng SOPA đang được đưa ra Hạ viện, và luật PIPA đang được Thượng viện xem xét.

Các dự luật này được soạn thảo nhằm ngăn chặn việc buôn bán các sản phẩm đánh cắp bản quyền của Mỹ ở nước ngoài.

Dư luật ở Hạ viện hiện bao gồm một quy định đưa các trang web có đăng nội dung các sản phẩm bị đánh cắp vào danh sách đen.

Các đối tượng ủng hộ dự luật này bao gồm ngành kỹ nghệ phim ảnh và âm nhạc, tức là những nhà sản xuất thường phải chứng kiến sản phẩm của họ bị đánh cắp bản quyền.

Ngành kỹ nghệ này nói rằng các biện pháp này là cần thiết để bảo vệ tài sản trí tuệ và công ăn việc làm.

Các công ty công nghệ thông tin như Google và các nhà khổng lồ Internet khác như Yahoo và Twitter thì nói rằng dự luật này có thể ảnh hưởng đến ngành công nghệ thông tin và xâm phạm quyền tự do ngôn luận nếu được thông qua.

Tuần trước, Tòa Bạch Ốc thừa nhận tình trạng các trang web ở nước ngoài đánh cắp bản quyền trên mạng là một vấn đề nghiêm trọng vần phải có luật thích ứng để quản lý.

Tuy nhiên, tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói rằng họ sẽ không ủng hộ dự luật nào làm giảm đi quyền tự do bày tỏ ý kiến, tăng rủi ro an ninh mạng hoặc gây cản trợ tính năng nổ và sáng tạo của mạng Internet toàn cầu.

Tòa Bạch Ốc cũng nói rằng họ sẽ tiếp tục làm việc với quốc hội về dự luật trên cơ sở phi đảng phái để tạo ra những công cụ cần thiết mới giúp chống tình trạng đánh cắp bản quyền, sao nhái sản phẩm, trong lúc vẫn tiếp tục bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền riêng tư, sự an ninh và tính sáng tạo.
Theo VOA

Báo VN cải chính tin liên quan Thủ tướng

Báo Thể thao 24h vừa phải đăng cải chính và xin chịu kỷ luật sau khi đăng thông tin 'bịa đặt' về việc lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đá VPF 'ăn tối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng'.

Thông báo cải chính đăng hôm thứ Bảy 14/1 viết rằng vì sơ suất về nghiệp vụ, trong số báo 1310 ra một hôm trước đó, tức thứ Sáu 13/1, báo này đã đưa thông tin bốn lãnh đạo VPF ăn tối và trao đổi vấn đề bản quyền bóng đá với ông Dũng hôm 11/1 tại Hà Nội.

Bản tin này còn nói bữa ăn "giữa các doanh nhân hàng đầu Việt Nam với người đứng đầu Chính phủ kéo dài gần ba tiếng đồng hồ", từ khoảng 6:00 giờ tới 9:00 giờ tối.

Tin về bữa ăn tối với Thủ tướng cũng được loan tải trên trang mạng của tờ báo.

Thông báo cải chính nay thừa nhận "đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, ảnh hưởng tới uy tín của Thủ tướng".

Ban Biên tập báo này nói đã kiểm điểm, "tiến hành kỷ luật các bộ phận có trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc", đồng thời xin chịu mọi hình thức kỷ luật.

Tờ báo này cũng lên tiếng xin lỗi ông Nguyễn Tấn Dũng và bạn đọc.

Trên trang online của Thể thao 24h, các nội dung bài báo đã được gỡ bỏ toàn bộ.

Hiện chưa rõ hình thức kỷ luật đối với tờ báo chuyên thể thao này sẽ như thế nào, và liệu Thể thao 24h có bị đình bản hay không.

Thủ tướng chỉ đạo?

Trong bản tin tựa đề 'VPF đã lật ngược tình thế?', phóng viên Thể thao 24h đã mô tả buổi ăn tối với Thủ tướng như động thái xoay chuyển tình thế trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình các trận đấu trong Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia giữa VPF và Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cùng Tập đoàn truyền thông An Viên (AVG).

Bài báo viết, sau cuộc gặp, VPF đã gửi công văn xin ý kiến Thủ tướng hôm 12/1 và ngay lập tức, chỉ sau chưa đầy bốn tiếng đồng hồ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có công văn chỉ đạo giải quyết vướng mắc ghi chữ 'Hỏa tốc' gửi cho Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch.

Trong công văn này, ông Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để bảo đảm Giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu chỉ đạo việc thanh tra Hợp đồng bản quyền truyền hình về Giải Bóng đá quốc gia (giữa VFF và AVG) để báo cáo cho ông.

Bài của Thể thao 24h kết luận: "Với cú ra chân dứt điểm bất ngờ này, VPF đã thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu (về bản quyền với VFF-AVG)".

Theo BBC

Em dâu ông Vươn: 'Xã hội đen tới vơ vét tôm cá'

Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt, bà Phạm Thị Hiền, vợ của ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn Vươn) mô tả có "người của xã hội đen" tới vơ vét tôm cá tại khu đầm thuộc khu vực cưỡng chế (19,3 ha) và cả khu vực không bị cưỡng chế (21 ha) của gia đình.

Theo bà Hiền, ngoài hàng trăm triệu đồng đầu tư ban đầu thì thiệt hại cho gia đình là rất lớn vì số thủy hải sản gồm tôm, cua, cá, tép đều tới mùa thu hoạch trước Tết.

Bà Hiền cũng cho biết đã báo các cơ quan "lớn hơn" cấp huyện và thành phố để mong được giải quyết vì theo bà thì chính quyền từ cấp thành phố chở xuống chỉ "bao che cho nhau".

Báo VietnamNet ngày 17/01/2012 bình luận với con số đầu tư nuôi thả các giống vật nuôi, "sản lượng thủy sản đến tuổi đánh bắt hiện có trong 40,3ha đầm của gia đình ông Vươn và ông Quý lên tới hàng chục tấn".

"Tính theo giá thị trường, số tiền thu được từ việc khai thác những loại vật nuôi này lên đến nhiều tỷ đồng".

Bài của báo này cũng nói rằng "Với diện tích 21ha đầm bị cưỡng chế “quá tay”, được biết ông Đoàn Văn Vươn đã có đơn khiếu nại quyết định thu hồi này (QĐ 460) nhưng UBND huyện Tiên Lãng chưa giải quyết, và cũng chưa có quyết định thu hồi".

"Như thế, theo quy định của pháp luật, đối với diện tích đang xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, chính quyền có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, ở đây thì không!" VietnamNet nhận định.

Theo BBC

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/01/120117_phamthihien_iv.shtml

Vinashin không trả nợ lần thứ ba

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), hiện đang bị kiện ra tòa tại Anh, đã không trả nợ đáo hạn lần thứ ba, theo Bloomberg.

Hãng Bloomberg trong bản tin ngày 18/01 dẫn nguồn của hai người nắm được vụ việc cho hay cho tới nay Vinashin đã lỡ ba lần thanh toán nợ với tổng số tiền là 180 triệu đôla (60 triệu đôla mỗi lần)

Vinashin không trả nợ náo hạn lần đầu 60 triệu đôla vào tháng 12/2010, kể như đặt hợp đồng đi vay 600 triệu từ các chủ nợ nước ngoài (dẫn đầu là Credit Suisse Group AG) vào tình thế vỡ nợ, theo Moody’s.

Kể từ đó tập đoàn nhà nước bên bờ phá sản này đã lỡ thanh toán nợ thêm hai lần, mỗi lần 60 triệu đôla.

Tổng giám đốc Vinashin, Trương Văn Tuyển, từ chối bình luận về việc lỡ thanh toán nợ khi hãng Bloomberg liên lạc với ông bằng điện thoại tại văn phòng ở Hà Nội vào ngày 17/01/2011.

Thu nhập của các tập đoàn đóng tàu trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng lớn do số lượng tàu hàng quá nhiều và vượt quá nhu cầu về vận chuyển hàng hoá.

Tăng trưởng kinh tế chậm đã làm giảm mậu dịch toàn cầu và kéo giá thuê các tàu lớn vận chuyển quặng sắt và than đá xuống mức giá thấp nhất kể từ năm 2002, theo Baltic Exchange, hãng cung cấp thông tin phí vận tải đặt tại London.


Hạ điểm khả tín

Sau khi Vinashin không thanh toán lần trả nợ đầu vào năm 2010, ít nhất một trong những tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Việt Nam đã bị hạ điểm khả tín do có quan ngại rằng các doanh nghiệp có một phần vốn của nhà nước không được chính phủ hỗ trợ khi có khó khăn tài chính.

Thang điểm tín nhiệm nợ của Việt nam bị Standard & Poor’s hạ xuống mức BB - vào tháng 12/2010, là cấp độ dưới mức tin cậy đầu tư tới ba ngưỡng, sau khi Moody’s cũng hạ điểm tương tự cùng tháng.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bị Moody’s hạ điểm từ Ba3 xuống B2 trong tháng 12/2010 và triển vọng của Vinacomin bị Standard & Poor’s hạ từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực" trong bối cảnh việc tái cơ cấu Vinashin buộc phải rà soát lại các yếu tố Bấm rủi ro.

Cho vay hợp vốn và bán trái phiếu Việt Nam giảm 11% xuống mức 4,1 tỷ đôla vào năm 2011, theo số liệu của Bloomberg.

Vinacomin đã đình chỉ việc đi vay 150 triệu đôla trong tháng 10/2011 cho đến khi thị trường thuận lợi hơn, một người nắm được tình hình cho Bloomberg biết vào thời điểm đó.

Khoản vay này hiện vẫn đang chưa được tiến hành, người cho biết ngày 18/01.

Kế toán trưởng của Vinacomin Nguyễn Xuân Thủy hôm 18/01 cho biết Standard Chartered Plc đã giúp sắp xếp cho khoản vay này và công ty đã lên kế hoạch vay vốn trong nay mai, nhưng không nói rõ chi tiết.

Vinashin hiện đang bị quỹ đầu tư Elliott Advisors LP, một trong số 20 chủ nợ, kiện ra Tòa Tối Cao tại Anh vì không trả nợ trong khoản vay trị giá 600 triệu USD.

Credit Suisse, Depfa Bank Plc và Malayan Banking Bhd cũng nằm trong số các chủ nợ, theo các nguồn thạo tin nhưng muốn ẩn danh.

Người phát ngôn của Credit Suisse tại Hong Kong, Josephine Lee, từ chối bình luận về tình hình tài chính của Vinashin và các khoản thanh toán đã đáo hạn nhưng tập đoàn chưa trả.

Được biết luật sư đại diện cho bên bị (22 công ty trong đó bị đơn thứ nhất là Vinashin) đã có phản hồi lại tòa trước hạn chót (13/01/2012) theo án lệnh của tòa ngày 02/12/2011.

Theo BBC

Lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế đất Hải Phòng

Tại cuộc họp sáng 18/1, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thống nhất lập đoàn giám sát để tìm hiểu dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, thu hồi đất, thực hiện cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng hệ thống chính trị địa phương, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở đã không phát hiện sớm những bức xúc của người dân về cách hành xử của chính quyền.

Ngoài ra, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng về vụ cưỡng chế lại sao chép các tài liệu từ chính quyền, không phản ánh được đa chiều nguyện vọng của người dân.

Tại cuộc họp sáng 18/1, một số ý kiến băn khoăn về cách làm của huyện Tiên Lãng từ khâu giao đất đến thu hồi, cưỡng chế thu hồi đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng như các hộ dân khác. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền là anh em ruột với Chủ tịch xã Vinh Quang Lê Văn Liêm - nơi có đầm thủy sản bị thu hồi khiến nhiều ý kiến đề cập tới tính khách quan của quyết định thu hồi và cưỡng chế thu hồi...


Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, các ý kiến thống nhất nhận định vụ việc không còn là chuyện riêng của Tiên Lãng hay Hải Phòng mà là mối quan tâm chung của cả nước. Vì vậy, cần lập đoàn giám sát tại địa phương.

Theo ông Kim, đoàn sẽ làm rõ nhiều nội dung. Hành vi nổ súng, chống người thi hành công vụ của gia đình ông Vươn là sai, song Mặt trận Tổ quốc sẽ xem xét và cho ý kiến về các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ. Đặc biệt, đoàn sẽ dành thời gian để tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, sử dụng cho đến thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng.

Đối với việc cưỡng chế thu hồi đầm thủy sản ngày 5/1, ông Kim cho rằng, việc này có dấu hiệu áp đặt không khác gì cưỡng đoạt, thiếu coi trọng quyền lợi người dân trong khi họ đã bỏ công sức, sinh mạng để gây dựng. "Vì sao cưỡng chế mà lại huy động cả lực lượng quân đội? Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ sớm thanh tra toàn diện, xử lý nhanh và trả lời gấp cho dư luận xã hội", ông Kim nói và cho biết thêm, việc huy động quân đội ở vụ cưỡng chế này có dấu hiệu vi hiến.

Trước đó ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Vụ nổ súng không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước.

Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, bên cạnh việc vi phạm pháp luật của người dân, nhiều vấn đề cũng đã được đặt ra như tính pháp lý của quyết định thu hồi đất khai hoang, thẩm phán ký vào thỏa thuận rút đơn kiện, chính quyền phá hủy nhà ông Đoàn Văn Vươn ngoài khu vực cưỡng chế .

Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân. Và ông cho biết, sẵn sàng đối chất với huyện Tiên Lãng về vấn đề này.

Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND Hải Phòng kiểm tra làm rõ trách nhiệm vụ cưỡng chế đất. Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã vào cuộc.

Nguyễn Hưng- VNexpress.net

Chiến thuật giữ Biển Đông của Việt Nam

Thời gian qua, việc Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng đã làm tốn khá nhiều giấy mực của các nhà phân tích.

Robert Karniol, một cây bút có uy tín về các đề tài quân sự Á châu, vừa có bài nhìn nhận 'Việt Nam đang chuẩn bị để bảo vệ tốt hơn đòi hỏi chủ quyền của mình trên Biển Đông'.

BBCVietnamese.com xin lược dịch và giới thiệu cùng quý vị.

Nhà phân tích hiện ở Singapore cho rằng Việt Nam đang học kinh nghiệm của chính nước láng giềng Trung Quốc trong chiến lược quân sự đối với Đài Loan.

Theo nhận định của giới quan sát, cán cân quân sự qua eo biển nay đang nghiêng dần về phía Trung Quốc, và qua đó Bắc Kinh thúc đẩy các quyền lợi an ninh rộng lớn hơn là chỉ để đối phó với Đài Loan.

Nói thẳng ra, thì tham vọng chiến lược của Trung Quốc là có đủ năng lực quân sự để đương đầu với bất cứ thách thức nào từ phía Hoa Kỳ.

Để làm việc này, bên cạnh quá trình hiện đại hóa quân đội và tăng cường khả năng hạt nhân, Trung Quốc phát triển một chiến thuật riêng để đối trọng với Hoa Kỳ. Chiến thuật này có tên là 'sát thủ giản' và đã được nhiều nhà phân tích phương Tây chú ý tìm hiểu.

'Sát thủ giản' có thể diễn giải một cách đơn giản là thay vì tăng cường chạy đua vũ trang, Bắc Kinh tìm cách giảm thiểu công dụng và hiệu quả của vũ khí Mỹ, thí dụ qua việc phát triển các thiết bị chống vệ tinh.

Trong hải quân, Trung Quốc ứng dụng 'sát thủ giản' bằng phương thức chống tiếp cận mà giới quân sự gọi là anti-access/area denial (A2/AD). Đó là thiết lập các vùng trên biển đặc biệt nhằm mục tiêu chống lại các cuộc tấn công của đối thủ. Với cách thức này, Trung Quốc có thể đối phó ngay trong trường hợp hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ được huy động tham gia xung đột nhằm bảo vệ Đài Loan.

Giải phóng quân Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo hỏa tiễn đạn đạo chống tàu chiến DF-21D với tầm che phủ trên 1.500 km. Có loại tên lửa này trong tay, Trung Quốc có thể kìm chân bất cứ hoạt động hải quân nào của Hoa Kỳ hay một quốc gia nào khác trong khu vực.

'Dĩ độc trị độc'

Bên cạnh hỏa tiễn tầm xa, Trung Quốc cũng đang tập trung phát triển hệ thống phòng không nhằm phát hiện và tiêu diệt các loại chiến đấu cơ của địch. Tiếp đó là đội ngũ tàu ngầm đang ngày càng được đầu tư để đối phó với các đe dọa trên mặt biển.

Giới chuyên gia được dẫn lời nhận định các nỗ lực nói trên đang giúp Trung Quốc tạo dựng các 'khu vực chống tiếp cận' càng ngày càng rộng, khiến quân đội Hoa Kỳ hoạt động càng lúc càng khó khăn.

"Giống như Trung Quốc, Việt Nam đối diện nan đề phải tìm cách đối phó một đối thủ tiềm tàng có sức mạnh quân sự vượt trội."Phân tích gia Robert Karniol

Theo ông Robert Karniol, Việt Nam đã phát hiện và ứng dụng chiến thuật của Trung Quốc.

"Giống như Trung Quốc, Việt Nam đối diện nan đề phải tìm cách đối phó một đối thủ tiềm tàng có sức mạnh quân sự vượt trội."

Nhà phân tích này cho rằng việc Hà Nội mua các chiến đấu cơ đa năng Su-30MK và chiến hạm lớp Gepard của Nga chính là để tăng khả năng chống tiếp cận (A2/AD) với chủ trương không chạy theo số lượng mà chú ý tính năng.

Loại chiến đấu cơ Su-30MK đời mới mà Việt Nam mua có gắn hỏa tiễn chống tàu chiến Kh-59MK với tầm bắn 115 km, trong khi chiến hạm Gepard có kèm tên lửa chống tàu chiến Kh-35E với tầm xa 130 km và có thể tấn công tàu trọng tải lớn tới 5.000 tấn.

Hà Nội cũng đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, được trang bị thêm hỏa tiễn 3M-54 Klub chống tàu trên mặt biển với tầm bắn 300 km.

Song song, Việt Nam cũng mua thêm một số hệ thống phòng thủ bờ biển của Israel, với tầm che phủ khoảng 150 km. Về phòng không thì có ba đài radar vi sóng hết sức tối tân Vera của Cộng hòa Czech. Được biết, Washington thoạt tiên chặn việc mua bán radar này, nhưng sau lại chấp thuận.

Tất cả các sáng kiến trên, theo ông Karniol, là để bảo đảm Việt Nam không bị yếm thế trong trường hợp Trung Quốc muốn tìm cách độc chiếm Biển Đông.

Theo đúng chiến thuật A2/AD của Bắc Kinh, Hà Nội có thể cản trở các hành động phiêu lưu của Bắc Kinh một cách tinh vi hơn.

Phân tích gia quân sự từ Singapore cũng nhấn mạnh: chính các nhà hoạch định chính sách quân đội Việt Nam, với kinh nghiệm qua nhiều thập niên tác chiến, đã tự đưa ra được chiến thuật này.

Theo BBC

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More