Monday, February 6, 2012

Lãnh đạo Hải Phòng gặp dân bị đòi đất

Một tháng sau vụ cưỡng chế nhà ông Vươn, các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng

Liên tục trong hai ngày 3 và 4/2, các lãnh đạo cao cấp nhất của Thành phố Hải Phòng đã có các cuộc tiếp xúc với đại diện nông dân nuôi trồng thủy sản để 'nghe tâm tư nguyện vọng' của họ.

Các cuộc gặp này diễn ra gần một tháng sau vụ cưỡng chế gây chấn động dư luận cả nước đối với ao đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, và ngay trước thềm phiên họp xử lý vụ việc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần sau.

Chủ tịch Hải Phòng Dương Anh Điền đã gặp ba đại diện nông dân bao gồm ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội và ông Hoàng Văn Tin, một nông dân thành viên của Liên chi hội.

Trước đó một ngày, Bí thư thành ủy Hải Phòng là ông Nguyễn Văn Thành và phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp cũng lần lượt đến gặp ba hộ nông dân này.

Năm kiến nghị

Tại cuộc gặp với ông Điền, các đại diện nông dân đã nêu những bức xúc của họ đối với bốn vấn đề mà họ cho rằng chính quyền huyện Tiên Lãng đã làm sai: đó là giao đất, thu hồi đất, giải quyết khiếu nại và cưỡng chế đối với 20 hộ nông dân nuôi trồng thủy sản trong huyện.

Ông Vũ Văn Luân thay mặt cho Liên chi hội nuôi trồng thủy sản cũng đã đưa ra năm kiến nghị đối với chính quyền Hải Phòng.

Thứ nhất là thu hồi quyết định cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Thứ hai là trả lại toàn bộ tài sản và bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Vươn trong vụ cưỡng chế của huyện Tiên Lãng mà Liên chi hội cho là bất hợp pháp.

"Các bác (lãnh đạo Hải Phòng) rất lắng nghe và còn khen ngợi chúng tôi hiểu biết luật pháp."

Ông Lương Văn Trong, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng

Thứ ba là truy tố những tổ chức và cá nhân ra quyết định cưỡng chế về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt và hủy hoại tài sản của công dân.

Thứ tư là thu hồi quyết định yêu cầu người dân huyện Tiên Lãng dừng đầu tư nuôi trồng thủy sản.

Kiến nghị cuối cùng là nhanh chóng giao lại đất để người dân yên tâm tiếp tục sản xuất.

Ông Luân cũng lên án việc chính quyền Tiên Lãng ‘rêu rao’ rằng các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong huyện trốn thuế và cho rằng đây là điều dối trá.

Chủ tịch Điền đã lắng nghe bức xúc của các nông dân và hứa hẹn rằng chính quyền thành phố sẽ rà soát lại các văn bản pháp luật và các quyết định giao đất, thu hồi đất mới có thể kết luận được.

Ông Điền cũng hứa là thành phố sẽ xử lý vụ việc ‘thấu tình, đạt lý trên cơ sở pháp luật’, theo tường thuật của Báo Người Lao Động.

Trước đó, trong chuyến ‘vi hành’ vào chiều tối thứ Sáu ngày 3/2, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành và phó Chủ tịch Đan Đức Hiệp cũng đã lắng nghe ba hộ nông dân này giãi bày những bức xúc của họ đối với việc thu hồi và giao đất của chính quyền huyện Tiên Lãng.

Theo lời ông Luân, thư ký Liên chi hội, thuật lại với Báo Tuổi Trẻ thì ông đã than phiền với các vị lãnh đạo này về việc huyện Tiên Lãng không làm đúng Luật đất đai năm 1993 khi không giao đất cho các nông dân đủ thời hạn 20 năm và thu hồi mà không bồi thường.

Ngoài ra ông Luân cũng lên án việc chính quyền sở tại từ chối giải quyết khiếu nại của dân khi được ông Bí thư Thành ủy hỏi là các ông có khiếu nại hay không khi được giao đất không đúng thời hạn.

Ông Luân cho biết là Bí thư thành ủy Hải Phòng chưa đưa ra kết luận gì trong cuộc gặp với ông và các nông dân khác và chỉ nói vấn đề này phức tạp nên cần thận trọng.

‘Sâu mọt của Đảng’

Trao đổi với BBC qua điện thoại, ông Lương Văn Trong, người tạm thời thay thế ông Vươn lãnh đạo Liên chi hội nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng, thuật lại rằng các lãnh đạo Hải Phòng có hứa với ông là ‘tội ai đến đâu thì xử lý đến đó’.

Trong khi Huyện Tiên Lãng vẫn khẳng định không làm gì sai trong vụ ông Vươn

Mục đích của các lãnh đạo trong các cuộc tiếp xúc này, theo lời ông Trong, là để nghe các nông dân giải trình các bức xúc và lý lẽ của họ có đúng pháp luật Việt Nam hay không.

“Các bác (lãnh đạo Hải Phòng) rất lắng nghe và còn khen ngợi chúng tôi hiểu biết luật pháp,” ông nói.

Về những bức xúc của hội, Chủ tịch Dương Anh Điền ‘hứa sẽ làm sáng tỏ trong thời gian tới’ để trả lại sự công bằng cho gia đình ông Vươn.

Về năm kiến nghị của hội, lãnh đạo thành phố ‘nhất trí’ nhưng ‘không dám hứa gì trước’ vì ‘sự việc đã lên cấp trung ương,’ ông Trong cho biết.

Ông Trong cũng cho biết là Bí thư tỉnh ủy Thành có hứa là sau này khi mọi việc giải quyết xong sẽ gặp gỡ các nông dân một lần nữa để ‘bàn về việc bàn giao đất lâu dài cho anh em.’

Ông Trong nhận xét rằng ông Vươn chống người thi hành công vụ là vì ông bị thu hồi đất mà không bồi thường trong khi ông Vươn đã đầu tư hàng chục tỉ đồng ‘nên phải chiến đấu thôi’.

Ông cũng chỉ trích gay gắt chính quyền huyện Tiên Lãng khi nói rằng họ ‘đội lốt Đảng và Nhà nước để tham nhũng và bắt nạt người dân.’

Giải thích lý do vì sao ông cho rằng chính quyền địa phương tham nhũng, ông nói rằng đó là vì họ không làm đúng luật pháp Việt Nam trong việc giao đất với ‘mục đích không rõ ràng’.

“Trong luật pháp Việt Nam không ai cho phép lấy đất người này giao cho người khác,” ông nói, phản bác lại lý do thu hồi đất để đấu thầu thu ngân sách cho Nhà nước của huyện Tiên Lãng.

Tuy nhiên, ông Trong nói rằng ông và các nông dân khác vẫn tin tưởng vào Đảng vì các cán bộ địa phương ‘chỉ là một số sâu mọt làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng thôi.’

Theo BBC

Học viên Pháp Luân Công 'mất tích'

Các học viên Pháp Luân Công ở TP Hồ Chí Minh nói một đồng môn của họ bị công an bắt khi tập luyện đã 'mất tích' từ 2/2 tới nay.

Người này được nói có tên Vũ Văn Tĩnh, năm nay 22 tuổi, nguyên là thiếu úy công an tỉnh Bình Phước.

Nay anh Tĩnh đã chuyển lên sống tại TP Hồ Chí Minh và làm việc về công nghệ môi trường.

Bác sỹ quân y hưu trí Nguyễn Đức Tuấn, đồng môn của anh Vũ Văn Tĩnh, thuật lại: "Khoảng 7 giờ 30 phút sáng thứ Năm ngày 2/2, khi nhóm học viên Pháp Luân Công chúng tôi đang tập công ở công viên Lê Văn Tám, phường Đa Kao, quận 1, thì công an tới giải tán và bắt 5 người về đồn".

"Bốn người khác đã được thả, nhưng anh Tĩnh bặt tin từ đó tới nay."

Ông Tuấn nói với BBC từ TP HCM rằng anh Vũ Văn Tĩnh theo Pháp Luân Công vài năm nay, đã bị công an bắt hoặc sách nhiễu "tới mười lần".

"Tới nay, gia đình cũng chưa nhận được tin tức gì của anh Tĩnh."

BBC đã tìm cách liên lạc với lãnh đạo công an phường Đa Kao, nhưng không nhận được phản hồi.

Liên quan Trung Quốc?

Nhiều nguồn tin cho rằng, rắc rối xảy ra với Pháp Luân Công ở Việt Nam gia tăng sau khi môn phái này tổ chức các buổi tọa thiền tập thể trước cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phản đối chính sách đàn áp Pháp Luân Công của Bắc Kinh cũng như bày tỏ ủng hộ cho các đồng môn trong nước.

Trừ một cuộc ban đầu diễn ra khoảng một tiếng đồng hồ, các cuộc thiền tập thể sau đều bị công an can thiệp giải tán nhanh chóng.

Gần đây, tòa nhà lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh đã chuyển về gần công viên Lê Văn Tám, khiến hoạt động tập công hàng sáng của học viên Pháp Luân Công càng bị cho là "nhạy cảm".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tuấn nói dù khó khăn ông và các đồng môn vẫn 'không lùi bước'.

Ông tuyên bố: "Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tập luyện và nói lên sự thật".

Pháp Luân Công đã vào Việt Nam nhiều năm nay, hiện có tới 2.000-3.000 học viên trong toàn quốc.

Chính phủ Việt Nam từng lên tiếng bác bỏ thông tin có phong trào Pháp Luân Công ở Việt Nam, nói đó chỉ là "người dân tập khí công để cải thiện sức khỏe".

theo BBC

'Xuất hiện nhiều điểm ùn tắc mới sau đổi giờ'

Phòng CSGT công an Hà Nội cho biết, sau 5 ngày đổi giờ học, giờ làm, tình trạng ùn tắc ở những điểm truyền thống không còn (hoặc chưa xuất hiện), nhưng một số điểm ùn mới xuất hiện tại gần trường tiểu học, THCS.
Chiều 6/2, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức cuộc họp ghi nhận ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường đại học, cao đẳng và lãnh đạo công an 12 quận huyện về việc thực hiện thay đổi giờ học, giờ làm. Tuy nhiên, thành phần quan trọng nhất là các trường THPT, thì không được mời tham dự.

Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng quản lý công tác học sinh - sinh viên (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, sau 5 ngày đổi giờ, Sở đã có đoàn đi kiểm tra và phát hiện những bất cập. Ở các trường tiểu học và mầm non, giờ làm việc của giáo viên tăng lên do ngoài giờ dạy còn phát sinh thêm giờ đón và trông học sinh lúc sáng sớm và sau tan học.

Ở THCS là hiện tượng lộn xộn do thời gian giữa hai ca sáng chiều quá ngắn (chỉ 15 phút). Còn với bậc THPT tan lúc 19h là quá muộn, các môn thể dục, giáo dục quốc phòng không thể thực hiện vì thiếu ánh sáng. Ngoài ra, các khoản chi phí cũng tăng lên do phải thắp sáng, nước sạch, bảo vệ...

"Nhiều người cho rằng các cháu về muộn có thể tắm rửa ngay rồi đi ngủ và làm bài tập vào sáng hôm sau, nhưng riêng việc về muộn đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của học sinh, làm giảm hiệu quả tiếp thu và đảo lộn sinh hoạt của các em", ông Nhật nói.

Trưởng phòng quản lý học sinh cũng cho hay, ở những vùng ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì, học sinh phải đi xe đạp qua quãng đường vắng không đèn đường rất nguy hiểm. Giáo viên cũng chịu tác động bởi rất nhiều người phải nuôi con nhỏ, họ không biết tìm đâu chỗ gửi con cho đến 7h tối.

"Dù những khó khăn đã nhìn thấy rõ, nhưng chúng tôi nghiêm cấm các trường không được thu thêm một khoản nào. Ngành giáo dục thủ đô vẫn sẽ thực hiện nghiêm chỉnh việc đổi giờ học, cùng với thành phố giải quyết bài toán ùn tắc giao thông", ông Nhật khẳng định.

Tham dự hội nghị, đại diện các trường đại học cho rằng sẽ cố gắng để thực hiện nghiêm túc quy định của thành phố, song "xin được kết thúc ca chiều lúc 18h".

Trưởng phòng ĐH Kinh doanh Công nghệ cho biết, hiện nay 90% cơ sở vật chất của trường được sử dụng cho 3 ca mỗi ngày. Điều này nhằm đảm bảo tiền lương cho giáo viên và khấu hao tài sản. Nếu như thực hiện đúng quyết định tan học ca chiều vào 19h, trường không thể xếp lịch 3 ca và chi phí đào tạo mỗi sinh viên tăng khoảng 30% so với hiện tại.

"Chúng tôi xin áp dụng điểm 5 đối với những đơn vị làm việc theo ca, xin được kết thúc buổi học chiều lúc 18h để kịp học ca thứ 3", vị trưởng phòng đào tạo nói.

Đại diện Học viện Ngân hàng cũng góp ý, thời gian áp dụng quyết định đổi giờ học, giờ làm của thành phố mới áp dụng được 5 ngày là chưa đủ để đánh giá. Nếu xem đây là chủ trương đúng và cứ thế thực hiện thì không được bởi nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh THPT.

Kết quả thăm dò trực tuyến đến ngày 6/2.

Theo Phòng cảnh sát giao thông công an Hà Nội, những ngày đầu thực hiện đổi giờ học, không xảy ra tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường hay tắc nghẽn. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm buổi chiều lại xuất hiện một số điểm tắc mới, trái với quy luật trước đó như ở đường Trúc Khê, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trường Tộ... Các vị trí này ở gần trường tiểu học, THCS vì phụ huynh tụ tập trước cổng trường đón con vào cùng một thời điểm.

Lãnh đạo công an các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm cho hay, các điểm ùn tắc đã giảm tải, đường thông thoáng hơn, tuy nhiên để đánh giá khách quan thì cần thời gian lâu dài. Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm Phạm Ngọc Kim phân tích, gần một tuần qua giao thông có vẻ thông thoáng hơn nhưng nguyên nhân phần lớn là hạ tầng cơ sở, con đường 32 đã hoạt động tốt cả hai chiều. "Sinh viên hiện nay vẫn chưa lên hết, công nhân thì mới trở lại 30-40% so với trước Tết. Vì vậy để đánh giá việc đổi giờ có hiệu quả giảm ùn tắc giao thông hay không là còn quá vội", ông Kim nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin, sau 5 ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm, các tuyến xe buýt đã tăng 700 lượt nhờ đường thông thoáng hơn. Sở đã tăng thêm 6 xe buýt tăng cường và 7 xe buýt nhanh. Mỗi ngày, xe buýt vận chuyển thêm hàng nghìn lượt khách và không còn tình trạng chen chúc trên xe giờ cao điểm.

"Hiện tại ở các tuyến đường xa đã tăng chuyến buýt đến 23h mới kết thúc. Đối với những trường có ca học tan muộn mà không còn xe buýt có thể gọi điện đến trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng yêu cầu xe đến đón học sinh. Khi mọi việc đi vào ổn định thì sẽ cho mở thêm tuyến ở quãng đường đó", Giám đốc Sở Giao thông nói.

Trước đó ngày 1/2, 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì bắt đầu thực hiện đổi giờ học, giờ làm. Theo đó, các trường ĐH, CĐ, THCC, dạy nghề, THPT bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h và kết thúc vào 17h (phải bố trí người tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30).

Hoàng Thùy-VNexpress.net

Công an phá 'tổ chức chống Đảng'

Công an tỉnh Phú Yên vừa loan báo ‘chiến công’ phá tan một ‘tổ chức phản động’ và bắt giữ 10 thành viên cao cấp của tổ chức này tại khu vực núi Đá Bia thuộc huyện Đông Hòa.

Tổ chức này có tên gọi ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’, Thiếu tướng Phạm Văn Hóa, giám đốc công an tỉnh Phú Yên, cho biết trong cuộc họp báo về vụ việc sáng thứ Hai ngày 6/2.

Đây là tổ chức hoạt động chống lại sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam theo phương thức bất bạo động với phương châm ‘bất chiến tự nhiên thành’.

Hội đồng công luật công án Bia Sơn (Núi Đá Bia) dự đoán Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cáo chung vào năm 2013 và họ sẽ có thời cơ lên nắm quyền, công an Phú Yên cho biết.

Cũng theo thông tin mà cơ quan điều tra tỉnh Phú Yên cung cấp cho báo giới trong nước, tổ chức này có trên 300 thành viên rải ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và có cả Việt kiều.

Trần Công, người thành lập và đứng đầu tổ chức này, đã bị công an bắt giữ trong cuộc đột kích hôm Chủ nhật ngày 5/2.

Theo lời Thiếu tướng Hóa trong cuộc họp báo, Trần Công có tên thật là Phan Văn Thu vốn sinh trưởng ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và năm nay 64 tuổi.

Tổ chức 'phản động'

Trước đây, ông Phan Văn Thu từng sáng lập giáo phái ‘Ân đàn đại đạo’ vào năm 1975. Sau đó ông bị bắt và đưa đi cải tạo trong thời hạn 10 năm. Trong thời gian cải tạo, ông từng trốn trại vào năm 1976 và bị công an bắt lại vào năm 1978. Ông bị cải tạo cho đến năm 1983 thì được thả và bị quản thúc tại địa phương.

Một năm sau ông trốn khỏi Phú Yên vào Đồng Nai và đổi tên là Trần Công như hiện nay, vẫn theo các báo chính thống ở Việt Nam.

Vẫn theo truyền thông trong nước, năm 2004, ông Trần Công về lại Phú Yên và lập căn cứ tại khu du lịch sinh thái Đá Bia và sáng lập Hội đồng Bia Sơn hoạt động cho đến nay.

BBC chưa có điều kiện liên lạc và tìm hiểu ý kiến từ phía những người tham gia tổ chức này.

Được biết, cùng bị bắt với ông Trần Công trong cuộc đột kích của công an là các cộng sự chủ chốt của ông như Trưởng Ban khoa giáo Lê Duy Lộc, Trưởng Ban đối nội Võ Thành Lê, Trưởng̉ Ban tổ chức Lê Phúc, Trưởng Ban Hồng vệ pháp Lê Đức Động, Tổng trưởng các ban Đoàn Đình Nam, phó Trưởng Ban nghi lễ Võ Ngọc Cư, Trưởng ban hành luật Tạ Khu, Trưởng ban hành pháp Nguyễn Kỳ Lạc và Lê Trọng Cư, tài xế kiêm vệ sỹ của ông Công.

Tướng công an Hóa cũng cho biết trong cuộc họp báo là sẽ xử lý theo pháp luật các thành viên khác của tổ chức Bia Sơn.

Ông Công và các cộng sự đã bị tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố với tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’.

Ông Hóa cho biết công an Phú Yên đã thành lập chuyên án C611 để theo dõi hoạt động của tổ chức Bia Sơn và sáng ngày 5/2 đã đột kích vào trung tâm của tổ chức này.

Công an cũng cho hay họ đã tịch thu các tài liệu thể hiện cương lĩnh hoạt động của Bia Sơn cùng một số thiết bị như kíp nổ, bộ đàm, máy tính xách tay, máy quay phim, máy ảnh và tiền mặt.

Tuy nhiên, hiện chưa có nguồn tin độc lập nào khác xác nhận các chi tiết này.

Theo BBC

Dân nhắn tin gì cho Bộ trưởng Thăng?

Báo chí trong nước nói Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận được hàng trăm tin nhắn tới số điện thoại di động của ông liên quan tới việc đổi giờ học nhằm tránh tắc đường, vốn bắt đầu hôm 1/2.

Phóng viên báo Tiền Phong, người nói đã xem trực tiếp các tin nhắn trên điện thoại di động của ông Thăng cho hay, "đa số các tin nhắn ủng hộ quyết định của bộ trưởng giao thông".

Nhưng các ý kiến trên các diễn đàn mạng cáo buộc ông Thăng không để ý tới những khó khăn của phụ huynh và học sinh, nhất là các em nhỏ.

Quyết định thay đổi giờ học và làm ảnh hưởng tới ba nhóm đối tượng khác nhau trong đó học sinh phổ thông trung học và đại học bắt đầu lúc 7h sáng và tan lúc 7h tối.

Tiền Phong nói từ 8h sáng ngày 1/2 tới sáng ngày 2/2 đã có hơn 300 tin nhắn gửi tới số mobile của Bộ trưởng Thăng.

Báo này trích một tin nhắn:

"Rất cảm ơn Bộ trưởng với những quyết sách mạnh tay... Hai ngày qua, cảm giác của em thật nhẹ nhàng khi được chứng kiển cái cảnh dân không bị tắc đường.

"Rất mong anh tiếp tục giữ nhiệt để đưa ra những quyết sách mạnh tay như thế."

Trong khi đó một độc giả của chính Tiền Phong đã có phản hồi nói báo này "tuyên truyền một chiều" khi không đề cập tới "tổn thất kinh tế xã hội" của chính sách và viết:

"Biết bao gia đình có con em đi học nhất là học sinh phổ thông, sinh viên đang phải chịu tổn thất về thời gian, tinh thần và tiền bạc vì cái mặt dở hơi của giải pháp này.

"Sáng ra, học sinh đến lớp ngáp vặt như con nghiện. Chiều học về muộn vừa đói, mệt chỉ mong sao hết giờ tiếp thu sao nổi lời cô nói. Rồi sau đó đi học thêm không kịp."

'Dám nghĩ dám làm'

Nhưng cũng có ý kiến nói rằng không nên có sức ép phải học thêm đối với các em học sinh và các bậc phụ huynh cũng nên cho con học ở các trường gần nhà để các em có thể đi bộ tới trường thay vì phải đưa đón xa.

Một độc giả của VnExpress viết phản hồi lại ý kiến phản đối đổi giờ của học sinh: "Cách đây chỉ khoảng 10 năm thôi, tôi cũng là học sinh, cả ngày chỉ học có một buổi sáng và học thêm hai buổi chiều, hết giờ học về giúp bố mẹ làm nông nghiệp, đến tận 9-10h tối mới ngồi vào học mà vẫn học bình thường, vẫn đỗ đại học.

"Nếu cứ mỗi một thay đổi mà mọi người đều phản ứng tiêu cực lại thì sẽ còn đâu những vị bộ trưởng tâm huyết, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi nữa."

Trên Facebook cũng có hẳn một trang web ủng hộ các giải pháp của Bộ trưởng Đinh La Thăng cho dù nhiều người cũng quyết liệt phản đối việc đổi giờ trên trang mạng này.

Một số ý kiến cũng nói các quan chức ngành giao thông cần có tầm nhìn xa để xây dựng hệ thống đường sá và giao thông công cộng phù hợp với nhu cầu sử dụng tăng cao, trong khi ý thức tham gia giao thông cũng như trình độ lái xe của người dân cũng cần được cải thiện.

Theo BBC

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More