Thursday, February 16, 2012

Tàu sân bay Mỹ sẵn sàng cho mọi kịch bản với Iran

Trung úy Timothy Breen chỉ huy các chiến đấu cơ Mỹ xuất kích gần không phận của Iran hàng ngày, anh thường chạm trán các phi cơ quân sự Tehran tại vùng biển chiến lược ở eo Hormuz.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Ảnh: wikipedia

Blue Balsters là phi đội gồm các máy bay F-18 Hornet mà trung úy Breen chỉ huy, hiện đóng quân trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất hiện diện tại vùng biển nóng này trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang. Tàu vừa đi qua eo biển Hormuz bất chấp lời đe dọa của Tehran rằng các hàng không mẫu hạm Mỹ không được qua đây để vào vịnh Persian.

Breen cho hay trong mọi trường hợp, sự tương tác giữa các phi công Mỹ và Iran luôn rất chuyên nghiệp, họ tôn trọng nhau. Tuy nhiên, ông cũng biết rằng tàu USS Abraham Lincoln có mặt ở gần Hormuz là để đảm bảo người Iran không đi quá ranh giới.

"Chúng tôi có trách nhiệm với các đối tác đồng minh và cả thế giới trong việc đảm bảo tự do hàng hải thông suốt, để mọi người đều có thể an tâm khi di chuyển qua những vùng biển quốc tế", trung úy nói.

Ông ngụ ý đến lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz mà Tehran liên tục nhắc lại gần đây như một sự thách thức các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Bất kỳ động thái nào nhằm phong tỏa tuyến đường biển hẹp nằm giữa Iran và Oman cũng có thể gây tắc nghẽn việc vận chuyển 20% lượng dầu mỏ thế giới, trong đó có 90% là dầu từ Iraq.

"Chúng tôi đã nghe về lời đe dọa đóng eo Hormuz và chúng tôi vẫn luôn thận trọng khi đi qua đây", chuẩn đô đốc Troy Shoemaker, chỉ huy nhóm tàu chiến hộ tống Abraham Lincoln qua eo Hormuz tuần này nói. Đây là lần thứ hai trong năm nay tàu sân bay này vượt eo Hormuz vào gần bờ biển Iran hơn.

Ông Shoemaker cho biết đoàn thủy thủ không có ý định khiêu chiến Iran khi thực hiện chuyến hành trình này, nhưng đây cũng là câu trả lời của Mỹ nếu hải quân Iran có hành vi leo thang quân sự. Mỹ tin rằng bất kỳ nỗ lực nào của Tehran nhằm chặn eo Hormuz cũng có thể dẫn đến các vụ tấn công bằng tên lửa hoặc mìn nhằm vào các tàu buôn.

"Không cần tốn nhiều mìn để thực hiện mục đích này", ông Shoemaker cho biết. "Điều đó có khả năng xảy ra và chúng tôi đã chuẩn bị để kiểm soát và đối phó với mọi tình huống".

Hải quân Mỹ khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ để chống lại những mối đe dọa ở vịnh Persian. Trên tàu sân bay Abraham Lincoln, đoàn thủy thủ luôn sẵn sàng để đảm bảo tàu sân bay có thể phóng các phi cơ trong trường hợp cần thiết. Một kho vũ khí lớn trên tàu chứa lượng bom khổng lồ có gắn laser và thiết bị định vị GPS. Các cơ sở bảo trì trong thân tàu có thể sữa chữa bất kỳ trục trặc nào, từ lỗi điện tử cho đến động cơ. Một nhóm gồm hàng chục thủy thủ có nhiệm vụ đưa máy bay vào không trung luôn luôn trong tư thế sẵn sàng.

Có những người được gọi là "chàng cừ khôi" chịu trách nhiệm về các hoạt động trên boong và ra hiệu lệnh cuối cùng để các chiến đấu cơ cất cánh. Các "tay thiện xạ" này cũng làm nhiệm vụ theo dõi áp suất của bệ phóng dùng để đẩy máy bay với tốc độ từ 0 lên 260 km/h trong khoảng hai giây. Nếu áp suất quá lớn, máy bay có thể bị vỡ nát. Ngược lại, nếu áp suất quá nhỏ, máy bay có thể ngừng và lao xuống biển.

"Chúng tôi có thể phóng 4 phi cơ trong một phút, sau đó thêm vài phút để chỉnh lại máy phóng và đưa các phi cơ tiếp theo vào vị trí", trung tá Mike Givens, một trong những "anh chàng cừ khôi" kể.

Hầu hết các thủy thủ không nói trực tiếp về mối đe dọa mang tên Tehran ở trong khu vực này mà sẽ chỉ nói rằng họ đã chuẩn bị để xử lý bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra. Chỉ huy của USS Abraham Lincoln, thuyền trưởng John D. Alexander, cho biết phần lớn các cuộc giao thiệp với hải quân Iran diễn ra thường xuyên và mang tính chuyên môn, với các tàu hoặc máy bay giám sát tàu sân bay hoặc liên lạc qua vô tuyến để thực hiện các truy vấn thường xuyên.

Tuy nhiên, Mỹ nhận định rằng hạm đội của Iran, dù đã lỗi thời và chỉ được trang bị với các tàu nổi và tàu ngầm nhỏ, vẫn có thể gây nguy hiểm cho một siêu tàu sân bay. "Họ có các tàu nhỏ, cũng có các tàu lớn hơn, tàu ngầm, họ có nhiều trang thiết bị", ông Alexander nói.

Hải quân Mỹ đã bàn tính về kịch bản Iran có thể bất ngờ tấn công vào các tàu chiến tối tân của Mỹ. Tư lệnh hạm đội 5 của hải quân Mỹ ở khu vực này cảnh báo rằng Iran có thể đã chuẩn bị những tàu nhỏ chứa bom, có thể đóng vai trò là tàu đánh bom tự sát nếu chiến sự bùng nổ. Tuy nhiên, kịch bản này chưa xảy ra và cũng không có sự cố nào lớn trong chuyến đi gần đây của hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln qua eo Hormuz.

Anh Ngọc (theo CNN)

700 tiểu thương chợ Tân Hiệp bãi thị

(PL&XH) - Chủ đầu tư trước khi xây dựng công trình cũng đã cam kết với các hộ tiểu thương khu phố chợ là sẽ làm lại con đường do thi công gây hư hỏng nặng nhưng lại chưa thực hiện.
Ngày 24-11, hàng trăm tiểu thương chợ Tân Hiệp, phường Tân Hiệp, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai bãi thị lên khu vục Trung tâm thương mại và siêu thị kết hợp chợ truyền thống không cho thi công xây dựng vì chủ đầu tư bội tín.

Theo báo cáo của UBND phường Tân Hiệp gửi UBND TP Biên Hòa và tiếp xúc hàng trăm tiểu thương biểu tình tại đây phản ánh, trước khi thực hiện dự án, các ngành chức năng có cam kết quay dãy kiốt ra hướng khu phố chợ, nay công trình sắp hoàn thành (dự kiến ngày 12-12 sẽ đi vào hoạt động) mà bà con chưa thấy dãy kiốt đâu cả. Các tiểu thương đề nghị chủ đầu tư làm đúng theo cam kết ban đầu của họ. Trước đó, các tiểu thương cũng đã nhiều lần đề nghị tới các cấp chính quyền nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng.

Chủ đầu tư trước khi xây dựng công trình cũng đã cam kết với các hộ tiểu thương khu phố chợ là sẽ làm lại con đường do thi công gây hư hỏng nặng nhưng lại chưa thực hiện. Hơn thế, bà con khu phố chợ còn không đồng ý việc công trình dẫn các ống khí thải các ô thoát hơi nóng, các thiết bị gây tiếng ồn lớn chĩa vào nhà dân ảnh hưởng đến môi trường của khu phố. Hàng trăm tiểu thương khác cũng đề nghị mặt bằng trệt của Trung tâm thương mại bố trí chợ truyền thống, bố trí sạp theo cam kết ban đầu nhưng sao đến nay vẫn không thấy thực hiện. Họ cũng không đồng ý, việc bố trí chợ truyền thống vào vị trí giáp ranh với Cty Điện lực Đồng Nai vì không đúng theo cam kết.

Hàng trăm tiểu thương bãi thị
Chiều cùng ngày, hàng trăm tiểu thương bức xúc, đề nghị tạm ngừng thi công công trình cho đến khi chủ đầu tư giải thích rõ ràng các kiến nghị của người dân.

Được biết, chợ Tân Hiệp trước đây hoạt động được bảy năm đến tháng 1-2007 UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 49 khi có dư án quy hoạch chợ Tân Hiệp thành Trung tâm thương mại và siêu thị kết hợp chợ truyền thống cho Cty CP Tân Trung Sơn (TP HCM) xây dựng.

Tháng 5-2007 UBND TP Biên Hòa đã lập Ban chỉ đạo thực hiện di dời chợ Tân Hiệp đi nơi khác để Cty CP Tân Trung Sơn xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị kết hợp chợ truyền thống.

Dự án này đã "đốt tiền" của tiểu thương, bởi lúc đó chợ Tân Hiệp được xếp hạng chợ loại 2, được Nhà nước và tiểu thương cùng góp vốn trị giá hàng tỉ đồng đầu tư cải tạo (năm 1999), trên diện tích gần 16.000m2 với hơn 700 điểm kinh doanh.

Sau ba năm dự án khởi công xây dựng, khoảng 700 tiểu thương đã chờ đợi hơn 1.000 ngày… Trách nhiệm thuộc về UBND TP Biên Hòa cùng các ngành chức năng và chủ đầu tư cần sớm giải quyết dứt điểm!

Phan Hữu
http://www.baomoi.com/Home/DauTu-QuyHoach/phapluatxahoi.vn/700-tieu-thuong-cho-Tan-Hiep-bai-thi/7432896.epi
Theo bài báo thì đã xảy ra quá lâu rồi nhưng các báo đài khác lại không hề có thông tin về vụ việc. Hiện nay, bà con tiểu thương lại tiếp tục thực hiện việc này nhưng không phải tại nơi xây dựng nhưng là tại các điểm khác. Vậy đâu là nguyên nhân. Có phải do chính quyền làm sai và tự dung túng cho sự việc.
Hi vọng không phải là vụ "Tiên lãng" tại Biên hoà.
Và tại sao báo chí trong và ngoài tỉnh không nói về vụ việc.???

Tuesday, February 14, 2012

Tổng thống Obama đề nghị ngân sách 3.800 tỉ đôla


Tổng thống Obama phác họa ngân sách tài khóa 2013 của chính quyền của ông tại Đại học Cộng đồng trong bang Virginia hôm 13/2/12

Tổng thống Barack Obama đề nghị thuế suất cao hơn đối với giới giàu và những công ty cùng với việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ khi ông đệ trình ngân sách liên bang 3.800 tỉ đôla của năm 2013 lên Quốc hội Hoa Kỳ.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Obama phác họa những ưu tiên của ngân sách tại một trường đại học cộng đồng gần Washington, nhấn mạnh đến những thúc đẩy của ông để gia tăng tài trợ giáo dục cần thiết hầu giúp sinh viên có những kỹ năng công nghệ cần thiết để kiếm việc làm tốt.

Tổng thống Obama nói kế hoạch chi tiêu nhằm kích thích nền kinh tế trong đoản kỳ và cắt giảm thâm thủng liên bang vào khoảng 4.000 tỉ đôla trong thập niên tới.

Ông đề nghị tăng thuế nhắm vào những công ty và giới người Mỹ giàu có và cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Ngân sách của năm tài chánh 2013 bắt đầu vào tháng 10, chỉ một tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống.

Quốc hội phải thông qua ngân sách trước khi đề nghị này trở thành luật và các đảng viên Cộng hòa đối lập gay gắt chỉ trích những ưu tiên ngân sách của Tổng thống Obama.

Đảng viên Cộng hòa cao cấp trong Ủy ban Ngân sách Thượng viện, nghị sĩ Jeff Sessions nói ngân sách của Tổng thống Obama đầy rẫy những “mánh lới ngân sách” phóng đại tiết kiệm và ếm nhẹm bớt số chi tiêu.

Đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang chuẩn bị đề nghị ngân sách riêng trong điều sẽ làm nổi rõ những khác biệt về đường lối giữa hai đảng trong vấn đề thuế và chi tiêu của chính phủ trong năm bầu cử Tổng thống này.

Những số liệu chi tiêu quốc phòng Mỹ

Kế hoạch ngân sách cho Năm Tài chánh 2013 của Tổng thống Barack Obama gồm cả hơn 525 tỉ đô la ngân sách căn bản của Bộ Quốc phòng. Tòa Bạch Ốc nói những chi tiêu, giảm sút trên 5 tỉ đô la so với mức của năm 2012, sẽ giúp tiết kiệm gần 487 tỉ đô la cho Bộ quốc phòng tính cho đến năm 2021. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói trong một tuyên bố là kế hoạch biểu hiện một sự “chuyển đổi lịch sử trong tương lai” công nhận là Hoa Kỳ đang ở trong “một thời điểm chiến lược sau một thập niên chiến tranh.” Ngân sách quốc phòng bao gồm:

- 135 tỉ đô la về nhân viên quân sự, giảm 6.7 tỉ đô la so với ước tính cho năm 2012.

- Giảm 27 tỉ đô la chiến phí. Ngân sách 2013 đề nghị 88 tỉ đô la dành cho hoạt động quân sự dự phòng ở hải ngoại, giảm sút so với mức 115,1 tỉ đô la trước đây.

- 69,4 tỉ đô la dành cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, và đánh giá, gồm gần 12 tỉ đô la cho những chương trình khoa học ở giai đoạn đầu và các chương trình công nghệ.

- 3,7 tỉ đô la tài trợ cho hệ thống do thám trên không bằng máy bay không người lái; 2 tỉ đô la nâng cấp những loại xe chiến thuật; và 4,1 tỉ đô la cho chương trình tàu ngầm loại Virginia đẩ tăng tiến khả năng của Hải quân hoạt động tại vùng bờ biển và hỗ trợ cho lực lượng hành quân đặc biệt.

- 9,7 tỉ đô la cho phòng thủ bằng tên lửa liên lục địa.

Theo VOANEWS.com

Monday, February 13, 2012

Ra quân “Tiếp sức người lao động 2012”

Đây là hoạt động do Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM (YES Center) phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ, Đoàn Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn tổ chức.

Năm nay, ngoài văn phòng bến xe miền Tây và miền Đông, chương trình mở thêm văn phòng thứ ba tại bến xe An Sương nhằm tăng cường phục vụ nhu cầu tìm việc của người lao động từ mọi vùng miền đổ về TP.HCM.

Hiện chương trình đã nhận được 17.500 chỉ tiêu việc làm từ 225 doanh nghiệp với đa dạng các ngành nghề: lao động phổ thông, chuyên môn kỹ thuật, quản lý - văn phòng - kế toán, nhà hàng - khách sạn…

Trong đợt cao điểm hoạt động của chương trình từ ngày 13-2 đến 11-3, 300 tình nguyện viên tại các bến xe An Sương, miền Đông và miền Tây sẽ hỗ trợ người lao động trong việc tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, hướng dẫn đường đi, giới thiệu các tuyến xe buýt, địa chỉ chỗ trọ giá cả phải chăng cùng đội ngũ xe ôm uy tín.

Thời gian làm việc tại các văn phòng sáng từ 7g30-11g30, chiều từ 13g30-17g trừ chủ nhật và ngày lễ. Ngoài ra, chương trình mở thêm tổng đài 1088 (nhấn 155) nhằm tư vấn, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm việc.

Một số hình ảnh PV Nhịp sống trẻ ghi nhận tại các bến xe trong ngày đầu ra quân.

Một bạn trẻ tìm được việc làm vừa ý, được đội xe ôm bến xe miền Đông đưa đi nhận việc - Ảnh: Mai Vinh

Tình nguyện viên Nguyễn Nhật Trúc Linh (trái) hướng dẫn bạn Đỗ Thị Bảo An (quê Thái Bình) thông tin về việc làm tại bến xe An Sương - Ảnh: Minh Đức
Chỉ dẫn đường đi nước bước - Ảnh: Phước Tuần

Trong buổi sáng, trên 100 lao động trẻ tiếp xúc với văn phòng giới thiệu việc làm của chương trình tại bến xe An Sương - Ảnh: Minh Đức

Theo Tuoitre.vn

Syria bác đề xuất của khối Ả Rập

Syria ‘kiên quyết bác bỏ’ đề xuất của Liên đoàn Ả Rập kêu gọi một sứ mạng gìn giữ hòa bình chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn nhằm chấm dứt 11 tháng xung đột đẫm máu ở đất nước này.

Nghị quyết được Liên đoàn thông qua mà BBC có được dù vẫn chưa được công bố chính thức, cũng nói rằng Liên đoàn chấm dứt mọi hợp tác ngoại giao với chính quyền Syria.

(hình: Liên đoàn Ả Rập tăng cường các biện pháp chống lại chính phủ của ông Assad)

Đại sứ Syria tại Cairo Yusuf Ahmed phát biểu rằng kế hoạch của Liên đoàn ‘phản ánh sự kích động của các chính phủ này’.

Kế hoạch này được đưa ra trong lúc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị tranh luận về tình hình Syria.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay sẽ có bài diễn văn trước đại hội đồng. Bà Pillay là người lên án mạnh mẽ các hành động đàn áp của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ủng hộ đối lập

Liên đoàn Ả Rập cũng cho biết họ sẽ ‘mở các kênh liên lạc với phe đối lập của Syria và hỗ trợ cho lực lượng này bằng mọi hình thức chính trị và vật chất.”

Liên đoàn cũng kêu gọi các nhóm đối lập hãy đoàn kết hơn nữa trong nỗ lực chống lại chính phủ của ông Assad.

Phóng viên BBC Jeremy Bowen ở Cairo nhận định rằng bản nghị quyết này chứa đựng những lời lẽ cứng rắn nhất cho tới nay của Liên đoàn Ả Rập đối với Syria và khiến cho vấn đề Syria có khả năng bị đưa trở lại Hội đồng bảo an.

Các động thái này của Liên đoàn chứng tỏ mức độ chế độ Syria bị cô lập trên trường quốc tế, phóng viên Bowen nói.

Tuy nhiên ông cũng nhận định rằng còn phải chờ xem liệu Moscow có tiếp tục hậu thuẫn cho đồng minh cũ và đối tác thương mại của họ hay không.

Nghị quyết của Liên đoàn cũng chính thức kết thúc sứ mạng của các quan sát viên tại Syria hồi tháng 12 năm ngoái. Sứ mạng này đã bị tạm dừng vào tháng Giêng giữa những chỉ trích rằng nó không hiệu quả.

Trước đó, thủ lĩnh mạng lưới al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc nổi dậy ở Syria trong một thông điệp video và yêu cầu phe đối lập Syria đừng dựa vào sự ủng hộ của phương Tây và các nước Ả Rập.

Đã có thông tin rằng giới chức Mỹ đang tình nghi al-Qaeda đang dính líu vào hai vụ nổ bom gây ra thương vong lớn ở Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria vào tuần trước.

Theo BBC

Công an bắt thêm 'đối tượng phản động'

Công an tỉnh Phú Yên cho hay đã bắt tổng cộng 14 người thuộc "tổ chức phản động Hội đồng công luật công án Bia Sơn".

Mới nhất, vào Chủ nhật 12/2, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an Phú Yên đã khởi tố và bắt tạm giam thêm bốn người là các ông Vương Tấn Sơn, Trần Phi Dũng, Đoàn Văn Cư và Trần Quân.

(Hình: Ông Trần Công, tên khác là Phan Văn Thu, đã sáng lập ra tổ chức bị coi là phản động)

Những người này đều bị buộc tội là thành viên Hội đồng công luật công án Bia Sơn, bị báo chí chính thống ở Việt Nam coi là "tổ chức phản động" vì chống lại Đảng Cộng sản cầm quyền.

Báo trong nước đưa tin cả bốn người trên cùng bị khởi tố tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Trong số bốn người này, ông Vương Tấn Sơn (59 tuổi) là Giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Long, doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia mà cơ quan công an nói là "căn cứ hoạt động của tổ chức phản động" nói trên.

Trước đó, hôm 6/2, Công an tỉnh Phú Yên đã mở họp báo để công bố ‘chiến công’ phá tan tổ chức phản động và bắt giữ 10 thành viên cao cấp của tổ chức này tại khu vực núi Đá Bia thuộc huyện Đông Hòa.

Trong cuộc họp báo, Công an Phú Yên cho hay tổ chức này có trên 300 thành viên rải ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và có cả Việt kiều.

Như vậy, Hội đồng công luật công án Bia Sơn là tổ chức tương đối quy mô và hoạt động khá lâu năm trong nước.

Được biết, cuộc phong tỏa, truy tìm và bắt giữ các "đối tượng phản động chủ chốt" tại khu du lịch sinh thái Đá Bia (còn có tên là khu du lịch Huỳnh Long)ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa sáng 5/2 có sự tham gia của tới 200 công an.

Chống Đảng Cộng sản

Hội đồng công luật công án Bia Sơn, theo điều tra của công an, chủ trương chống lại sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổ chức này dự đoán Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cáo chung vào năm 2013 và họ sẽ có thời cơ lên nắm quyền.

Ông Trần Công, còn có tên Phan Văn Thu, người thành lập và đứng đầu tổ chức, năm 1975 từng sáng lập giáo phái ‘Ân đàn đại đạo’, tổ chức tiền thân của Hội đồng công luật công án Bia Sơn.

Cơ quan điều tra cho biết năm 2004, ông Trần Công về lại Phú Yên và lập căn cứ tại khu du lịch sinh thái Đá Bia và sáng lập Hội đồng Bia Sơn hoạt động cho đến nay.

Công an Phú Yên đã thành lập ban chuyên án C611 để theo dõi hoạt động của tổ chức Bia Sơn và sáng ngày 5/2 đã đột kích vào trung tâm của tổ chức này.

Công an cũng cho hay họ đã tịch thu hàng trăm tập tài liệu thể hiện cương lĩnh hoạt động của Bia Sơn cùng 19 kíp nổ, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm và một số 'phương tiện tang vật khác'. Số tiền mặt thu được ở hiện trường được nói lên tới cả trăm nghìn đôla Mỹ.

Tuy Công an Phú Yên nói cương lĩnh của tổ chức nói trên quy định phương thức hoạt động là ‘bất chiến tự nhiên thành’, tức không bạo động, nhưng hiện diện của 19 kíp nổ có thể sẽ làm cho vụ án thêm phức tạp.

Hiện không có nguồn tin độc lập nào để kiểm chứng ngoài các thông tin mà công an cung cấp cho báo giới trong nước.

Xem thêm đánh giá vụ Bia Sơn của đại diện tổ chức nhân quyền BấmHuman Rights Watch.

Theo BBC

Thay đổi từ bên trong đảng cộng sản

Để mở rộng phạm vi tranh luận về vai trò của Trí thức và Đảng Cộng sản, BBC xin trích lược tư liệu từ nghiên cứu của tác giả Archie Brown về tác động của giới trí thức đến cải cách ở Liên Xô và Đông Âu trước đây:

Sự phát triển của tư duy phê phán trong giới trí thức thuộc đảng cộng sản vào những năm dẫn tới cải cách ở Tiệp Khắc (thập niên 1960), và ở Liên Xô khoảng từ 1985 đến 1989 là quá tình tối quan trọng để ta hiểu cả về Mùa Xuân Praha và Perestroika.

…Trong các nước cộng sản nói chung, và nhất là tại Liên Xô, đại đa số chuyên gia hàng đầu trong khoa học xã hội – các luật gia làm nghiên cứu, nhà kinh tế, nhà xã hội học và phân tích gia chính trị – đều là đảng viên. Chính từ hàng ngũ của họ mà các ý tưởng phê phán có sức nặng nhất đã tỏa ra.

Tác động từ trong ra

Sự xuất hiện của tư duy phê phán và mới mẻ về hệ thống kinh tế và chính trị, đến từ chính bên trong đảng, có tầm quan trọng quyết định khi các cơ hội - chứ không phải sự lựa chọn có chủ ý - đưa ra sân khấu chính trị những nhà lãnh đạo của đảng có đầu óc cởi mở trước ý tưởng mới và trước chính sách sáng tạo.

Nhưng vì hệ thống đã là như thế nên ngoại trừ một cuộc cách mạng vốn quá mạo hiểm nên hiếm ai dám thử thì chỉ có thay đổi ở đỉnh cao của bộ máy chính trị mới quyết định được rằng liệu tư duy phê phán (critical thinking) và mới mẻ có tạo ra ảnh hưởng đến chính trị thực sự hay chỉ mãi mãi là trò chơi trí tuệ mà thôi.

Những nhà trí thức có đầu óc cải cách mà vẫn giữ chỗ hàng chục năm trong bộ máy của các đảng cộng sản cầm quyền, nơi cũng chỉ có đôi ba cải tổ yếu ớt xảy ra, thường bị người quyết định đứng hẳn ngoài hệ thống chê là những kẻ chờ thời.

Họ cũng có thể bị tố cáo là tự đánh lừa mình vì cố tin vào hy vọng tạo ra thay đổi bằng cải cách cấp tiến từ bên trong cấu trúc chính thống, hoặc vì tin rằng họ có thể tác động ít nhiều đến hướng đi của chính sách nhà nước.

Nhưng không có câu trả lời nào là duy nhất đúng khi ta nhìn vào toàn bộ hệ thống cộng sản và đặt câu hỏi rằng ‘các nhà cải cách từ bên trong’ - còn có tên là ‘bất đồng trong cơ chế’ (intrastructural dissenters) - đã đúng hay sai khi họ đánh giá cách thực tiễn nhất để tạo ra thay đổi chính là làm từ bên trong.

Trong hơn một nửa số nước cộng sản thì ít thấy có bằng chứng cho điều này. Nhưng ở Hungary cho tới một mức độ, và ở Tiệp Khắc cho tới trước khi phong trào cải cách bị xe tăng Liên Xô đè nát, và đặc biệt quan trọng là ở Liên Xô và Trung Quốc, cải tổ từ trong đảng (intra-party reform) có tính quyết định hơn hẳn sức ép từ bên ngoài hàng ngũ đảng trong việc làm thay đổi hệ thống một cách đáng kể.

Điều rõ ràng là thật ít có ai vào đảng cộng sản ngay từ đầu với ý tưởng để cải tổ nó từ bên trong.

Một trong số người khiến ta có thể tin là từng nghĩ như vậy khi bà ấy nói về điều đó chính là Ludmilla Alexeyeva, người sau trở thành một nhà bất đồng chính kiến có tiếng ở Liên Xô. Đến một lúc bà xác định rằng ‘niềm tin của tôi là Đảng có thể cải tổ được từ bên trong đã hóa ra chỉ là ảo tưởng không hơn không kém’.

Nhưng dù Đảng Cộng sản Liên Xô đã không tự cải tổ từ bên trong được một cách thành công – đa số quan chức cao cấp của đảng này ủng hộ cuộc đảo chính tháng 8/1991 nhằm quay ngược kim đồng hồ lịch sử về trước Perestroika – chính các Thay Đổi từ bên đảng mà ra khi được áp dụng đã biến đổi toàn bộ hệ thống chính trị…

Nếu chỉ có một thiểu số nhà cải cách cấp tiến trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô gia nhập đảng với ý muốn thay đổi hệ thống, thì câu hỏi sẽ là Điều Gì đã thay đổi trong tư duy của các nhà cải cách trong Đảng.

Chia tay từng gia đoạn

Một nhà cải cách Tiệp đã nói: “Thất bại là chất xúc tác mạnh nhất để thay đổi.”

Nhưng để̀ thừa nhận rằng kinh tế yếu kém và sự thiếu vắng tự do chính trị là một thất bại (failure) cũng đòi hỏi một số tiêu chuẩn để so sánh.

Chính các trí thức trong tầng lớp trên hoặc các chuyên gia (của Đảng) trong nhiều lĩnh vực là những người có cơ hội đi sang Phương Tây nhiều hơn các công dân thường. Những gì họ chứng kiến và nghe thấy đã có tác động.

Tuy vậy, xúc tác ban đầu để thay đổi cách nghĩ lại thường đến từ các tác phẩm ‘viết từ bên trong ý thức hệ’ chứ không phải từ những người đối kháng.

Như Janos Kornai từng nêu khi ông nói về thời kỳ ông vẫn ‘là cộng sản một nửa hoặc ba phần tư’…thì các bài viết của lý thuyết gia cộng sản Nam Tư Edvard Kardelj và cuốn tiểu sử Stalin của Issac Deutscher mà ông đọc bằng tiếng Đức đã tác động đến ông nhiều nhất.

Cũng phải thấy rằng các nhà cải cách trong đảng cộng sản chia tay với ý thức hệ bảo thủ qua từng giai đoạn. Ban đầu, họ bác bỏ sự tàn bạo của hệ thống Stalinist nhưng vẫn tin rằng Đảng Cộng Sản cần nắm độc quyền chuyên chính, và chỉ cần quay lại với các ý tưởng của chủ nghĩa Lenin là mọi việc sẽ tốt đẹp.

Sau đó, như Kornai viết, “nhiều người hiểu rằng hệ thống hiện thực trước mắt được phát triển ở Liên Xô và các nước cộng sản khác đã đúng là bao gồm không chỉ tư tưởng của Stalin, và của cả Lenin và thậm chí một số tư tưởng cơ bản của Marx…”

Bước [chuyển biến] này thường không khiến các nhà cải cách bên trong đảng vội tung ra cuộc tấn công vào Lenin. Trái lại, họ thường bước vào cuộc chiến về trích dẫn, và chọn cách dùng những đoạn của Lenin thích hợp với mục tiêu của mình.

Vì Lenin, nhất là ở Liên Xô, luôn là nguồn của tính chính danh cho quan điểm chính trị cho đến hết thập niên 1980.

Chính Alexander Yakovlev, người vào thời hậu Liên Xô đã nhận ra Lenin với sự kinh hãi, còn từng trích dẫn Lenin cho tới năm 1989.

Gorbachev cũng kính trọng Lenin không chỉ trong thời kỳ cầm quyền mà còn sau khi đã từ bỏ quyền lực. Nhưng ông cũng bỏ chủ nghĩa Lenin từng bước và năm 1987 đã tuyên bố muốn thay ‘dân chủ tập trung’ bằng ‘đa nguyên xã hội chủ nghĩa’…

Điều quan trọng trên hết là cuối cùng Gorbachev đã 'chia tay' hẳn với Lenin qua việc công nhận phương tiện trong chính trị cũng quan trọng không kém gì mục tiêu, và các mục tiêu ảo tưởng sẽ chỉ là thứ quái vật nhiều đầu nếu được theo đuổi bằng các biện pháp bạo lực và phi dân chủ...

Các đoạn trích lấy từ cuốn 'The Rise and Fall of Communism' (2009) của Giáo sư Archie Brown, Đại học Oxford, Anh Quốc. Trong bài sau sẽ là các đoạn về 'Khủng hoảng và Cải cách' và vai trò của lãnh đạo cộng sản gia đoạn chuyển đổi.

Theo BBC

Báo Hải Phòng lên án 'tội đồ' Vươn

Vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đốt nóng dư luận trong và ngoài nước hơn một tháng qua đã đến lúc hạ hồi phân giải với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp ngày 10/2 vừa qua.


Sự kiện này cũng chứng kiến sự ‘chia rẽ’ có thể nói là bất bình thường trong làng truyền thông Việt Nam, vốn luôn hòa cùng một giọng theo chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo trung ương đối với các vấn đề nhạy cảm về chính trị như vụ việc của ông Vươn.Vụ việc này đã trở thành một hiện tượng của truyền thông Việt Nam: chỉ trong vòng hơn một tháng đã có hơn 800 bài viết về vụ việc trên báo chí các loại tính cho đến ngày chính phủ ra phán quyết, theo thông tin từ ông Vũ Đức Đam, chủ nhiệm văn phòng chính phủ trong buổi họp báo hôm 10/2.

Hầu hết các tờ báo phổ thông có đông đảo độc giả trên toàn quốc như VnExpress, Dân Trí, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh niên, Sài gòn Tiếp thị... thách thức quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương và cảm thông cho cảnh ngộ của gia đình ông Vươn.Sự kiện này cũng chứng kiến sự ‘chia rẽ’ có thể nói là bất bình thường trong làng truyền thông Việt Nam, vốn luôn hòa cùng một giọng theo chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo trung ương đối với các vấn đề nhạy cảm về chính trị như vụ việc của ông Vươn.

Những bài báo này đã thổi bùng làn sóng căm phẫn của một bộ phận công chúng với hàng ngàn lượt bình luận chỉ trích chính quyền Tiên Lãng và ủng hộ ông Vươn.


Trong khi đó, những cơ quan báo chí chính thống như Thông tấn xã, các Đài truyền hình và Đài tiếng nói của trung ương, báo Nhân dân, báo Sài Gòn Giải Phóng... đều chỉ đưa tin chừng mực theo hướng thông tin về diễn biến của vụ việc chứ không điều tra hay đi sâu tìm hiểu như các báo khác.

Tội phạm nguy hiểm

Đặc biệt, báo chí Hải Phòng, nơi xảy ra vụ việc cưỡng chế, hoàn toàn tách ra xu hướng của báo chí trong nước và đi ngược lại trong luồng dư luận nóng bỏng đang phẫn nộ với vụ cưỡng chế.

Hai tờ báo chính thống của thành phố này, tờ Hải Phòng, cơ quan ngôn luận của chính quyền Hải Phòng, và tờ An ninh Hải Phòng trực thuộc công an thành phố đều ra sức bảo vệ chính quyền và liên tục tấn công ông Vươn.

Hình ảnh ông Vươn xuất hiện trên các tờ báo này giống như một kẻ tội phạm nguy hiểm.

Ông được mô tả là kẻ thiếu hiểu biết pháp luật, tham lam, tư lợi, không trung thực, cố chấp, ngông cuồng, có mưu tính xấu xa và bị chính người dân cùng địa phương với ông lên án.

Ngược lại, chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng, đã hành xử ‘hoàn toàn đúng đắn’ trong các quyết định giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế đối với ông Vươn, theo hai tờ báo này.

Những lập luận trong các bài báo về vụ Tiên Lãng trên báo chí Hải Phòng phản ánh toàn bộ quan điểm của chính quyền địa phương trong khi không hề có ý kiến gì của người nhà ông Vươn cũng như đề cập đến gia cảnh vợ con ông.

Đáng chú ý là hai báo này cũng không hề đả động gì đến việc ngôi nhà của ông Vươn ngoài khu vực cưỡng chế bị đập phá, một sự việc đã làm cho công chúng hết sức bức xúc.

Đúng một tuần trước phiên họp của chính phủ trong khi các cơ quan đang khẩn trương tìm hiểu vụ việc để báo cáo thủ tướng, báo Hải Phòng đã đăng bài báo dưới tiêu đề ‘Những thông tin ít được nhắc đến chung quanh vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Tiên Lãng’ và ký tên là ‘nhóm phóng viên’.

Bài báo này, theo như lời dẫn, là nhằm để đưa thêm ‘những thông tin khách quan và toàn diện’ về bản thân ông Vươn để phản bác lại những ý kiến ủng hộ ông đang lan rộng.

Báo Hải Phòng đã lần lượt kể các ‘tội’ của ông Vươn: từ lấn thêm gần 20ha đất, chặt phá rừng phòng hộ gây hại cho đê biển, trốn thuế, cho thuê đất lại kiếm lời, đầu tư ít mà hưởng lợi nhiều từ các công trình cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư cho đến nổ mìn, bắn người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, bài báo này cũng đưa ra những lập luận bảo vệ chính quyền trước những lời cáo buộc của dư luận như ' công an thàng phố chỉ tham gia truy bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm chứ không tham gia việc cưỡng chế thu hồi đất' và căn nhà bị phá của ông Vươn chỉ là ‘chòi ở khu đầm’ để ‘trông coi, khai thác thủy sản’ chứ bản thân ông Vươn đã có căn nhà hai tầng tại sinh quán là xã Bắc Hưng.

‘Ông Vươn phạm pháp’

Cũng kể tội ông Vươn, báo An ninh Hải Phòng lại có một loạt bài phóng sự điều tra dài đến bốn kỳ khởi đăng từ ngày 2 cho đến ngày 6/2, tức là chỉ vài ngày trước phiên họp kết luận của thủ tướng.

Các bài báo này lần lượt có tiêu đề: ‘Đất giao cho Đoàn Văn Vươn là đất bãi bồi’, ‘Đoàn Văn Vươn đã sử dụng đất được giao như thế nào?’, ‘Thu hồi đất đã giao cho Đoàn Văn Vươn là đúng trình tự’ và ‘Diễn biến sau quyết định thu hồi đất’.

Trong bài thứ nhất, báo An ninh Hải Phòng khẳng định đất ông Vươn được giao là bãi bồi ven biển chứ không phải đất nông nghiệp và viện dẫn Luật đất đai để biện hộ cho việc giao đất bồi chỉ 14 năm và hết thời hạn phải thu hồi.

Bài thứ hai điểm lại ông Vươn đã ‘phạm pháp’ như thế nào trong quá trình sử dụng đất. Nội dung của bài báo này gần như giống hệt với những điểm được nêu trong trong bài báo ‘Những thông tin ít được nhắc đến’ của báo Hải Phòng.

Bài báo này nhấn mạnh việc ông Vươn thu lợi ‘phi pháp’ bằng việc cho thuê lại đất được giao và cáo buộc: ‘Phải chăng đây là nguyên nhân xâu xa khiến Vươn cố tình tìm mọi lý do để chính quyền phải giao tiếp đất và toan tính tổ chức lực lượng bắn vào lực lượng thi hành cưỡng chế?’.

Để khẳng định việc ông Vươn được lợi rất nhiều chứ không bị thiệt hại từ khu đầm được giao, bài báo cho rằng trong thời gian 7 năm được miễn thuế ông Vươn đã ‘được hưởng nguồn lợi thủy sản và cây trồng đủ để hoàn lại nguồn vốn bỏ ra xây dựng cơ sở vật chất’ mà không hề đưa ra bất cứ cơ sở nào để chứng minh.

Bài báo thứ ba trong loạt bài bảo vệ quyết định thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng là đúng đắn về mặt pháp lý.

Tác giả bài báo lập luận rằng đất ông Vươn hết thời hạn phải thu hồi vì ông ‘không thuộc diện được xét gia hạn giao hoặc thuê đất do không chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và cũng không làm những thủ tục xin gia hạn theo quy định’.

Bài báo cũng viện dẫn Luật Đất đai năm 2003 để khẳng định trường hợp ông Vươn bị thu hồi đất không được bồi thường. Cũng chiểu theo Luật Đất đai, việc thu hồi đất giao hết hạn để chuyển sang đất thuê để thu lợi thêm cho nhà nước là đúng đắn, bài báo viết.

‘Chính quyền làm đúng’

Bài báo đã khẳng định chắc chắn rằng chính quyền Tiên Lãng đã ‘làm đúng trình tự’ và đúng luật.

Tuy nhiên, trong phiên họp ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận rằng chính quyền Tiên Lãng đã thu hồi đất sai vì trường hợp ông Vươn không nằm trong 5 diện bị thu hồi đất theo Luật Đất đai.

Đáng chú ý, bài báo này còn cho biết là cho đến trường hợp của ông Vươn thì ‘đa số các hộ có diện tích bãi bồi ven biển được giao nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tiên Lãng đều đã chấp hành chủ trương này của chính quyền địa phương’, tức quyết định thu hồi đất mà thủ tướng đã kết luận là sai.

Trong bài báo ‘Những thông tin ít được nhắc đến’, báo Hải Phòng còn đưa ra con số 219 hộ đã chấp hành lệnh thu hồi đất trước ông Vươn sau khi hết thời hạn giao đất.

Bài báo cuối cùng điểm lại nguyên nhân dẫn đến vụ cưỡng chế. ‘Nhóm phóng viên’ của báo An ninh Hải Phòng cho rằng chính quyền buộc phải cưỡng chế sau ‘gần ba năm vận động, thuyết phục ông Vươn’ không thành công.

Bài báo cho rằng chính quyền Tiên Lãng cưỡng chế để thi hành bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Tiên Lãng, trong khi ông Vươn đã rút đơn kháng cáo tại Tòa án thành phố Hải Phòng.

Theo các báo khác thì ông Vươn đã rút đơn kháng cáo sau khi có thỏa thuận của chính quyền sẽ tiếp tục giao đất. Thế nhưng sau khi ông Vươn rút đơn thì chính quyền trở mặt.

“Vụ việc (nổ súng vào lực lượng cưỡng chế) xảy ra liệu có phải do ý chí của Đoàn Văn Vươn hay người nào đó đã "tham mưu" để dẫn đến tình trạng này?,” báo An ninh Hải Phòng cáo buộc.

‘Nhân dân đồng tình’

Hai tờ báo của Hải Phòng cũng sử dụng phương thức tuyên truyền quen thuộc trên báo chí nhà nước của Việt Nam là đông đảo ‘quần chúng nhân dân đồng tình với chính quyền và lên án đòi nghiêm trị ông Vươn’.

Cả hai báo này đều phỏng vấn một số ý kiến người dân và cán bộ địa phương lên án ông Vươn.

Các nông dân bị thu hồi đất giống như ông Vươn như các ông Bùi Trường Viên và ông Nguyễn Hữu Thứ cùng ở xã Vinh Quang được báo An ninh Hải Phòng trích lời đều cho quyết định của chính quyền là đúng đắn và chính quyền tạo mọi điều kiện cho họ sản xuất.

Còn ông Phạm Văn Thủy, phó chủ tịch Hội nông dân huyện Tiên Lãng, phát biểu với báo An ninh Hải Phòng rằng hội của ông đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình giao đất theo quyết định của chính quyền mà thủ tướng đã kết luận là không đúng luật.

Được biết, chức năng của Hội nông dân là bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

“Do ấu trĩ về pháp luật lại nghe rục rịch về dự án sân bay nên anh Vươn đã cố tình chây ì, không thiện chí giao lại đất cho địa phương hòng giữ đất lấy tiền đền bù,” ông Thủy lên án.

“Việc làm của anh Vươn và những người trong gia đình khiến dư luận của nhân dân, cán bộ, đảng viên huyện Tiên Lãng nói chung, xã Vinh Quang nói riêng hết bức xúc, cực lực phản đối và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh trước pháp luật,” ông phát biểu.

Báo Hải Phòng cũng đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Cầm vào đúng ngày có phiên họp xử lý vụ Tiên Lãng của chính phủ cho rằng có đủ căn cứ để xử nặng ông Vươn tội giết người và chống người thi hành công vụ.

Kết luận sau đó của thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan tố tụng xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với ông Vươn và nhiều ý kiến của các luật sư sau đó cũng cho rằng ông Vươn không có tội.

“Đối với gia đình anh Vươn, nếu không đồng ý khi bị thu hồi đất, được quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, đến cơ quan Nhà nước thành phố, Trung ương đề nghị giải quyết, chứ không thể sử dụng biện pháp tiêu cực, manh động, sử dụng vũ khí nguy hiểm chống đối lại lực lượng thực thi công vụ,” ông Cầm phát biểu.

Ngay sau có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính quyền Tiên Lãng đã sai trong việc thu hồi, cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn, các tờ báo của Hải Phòng vẫn bảo lưu những bài báo cho rằng chính quyền địa phương ‘hoàn toàn đúng’ trên trang mạng của họ.

Các tờ báo này cũng không hề có động thái đính chính, xin lỗi công chúng cũng như ông Đoàn Văn Vươn.

Theo BBC

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More