Trung úy Timothy Breen chỉ huy các chiến đấu cơ Mỹ xuất kích gần không phận của Iran hàng ngày, anh thường chạm trán các phi cơ quân sự Tehran tại vùng biển chiến lược ở eo Hormuz.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Ảnh: wikipedia
Blue Balsters là phi đội gồm các máy bay F-18 Hornet mà trung úy Breen chỉ huy, hiện đóng quân trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất hiện diện tại vùng biển nóng này trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang. Tàu vừa đi qua eo biển Hormuz bất chấp lời đe dọa của Tehran rằng các hàng không mẫu hạm Mỹ không được qua đây để vào vịnh Persian.
Breen cho hay trong mọi trường hợp, sự tương tác giữa các phi công Mỹ và Iran luôn rất chuyên nghiệp, họ tôn trọng nhau. Tuy nhiên, ông cũng biết rằng tàu USS Abraham Lincoln có mặt ở gần Hormuz là để đảm bảo người Iran không đi quá ranh giới.
"Chúng tôi có trách nhiệm với các đối tác đồng minh và cả thế giới trong việc đảm bảo tự do hàng hải thông suốt, để mọi người đều có thể an tâm khi di chuyển qua những vùng biển quốc tế", trung úy nói.
Ông ngụ ý đến lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz mà Tehran liên tục nhắc lại gần đây như một sự thách thức các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Bất kỳ động thái nào nhằm phong tỏa tuyến đường biển hẹp nằm giữa Iran và Oman cũng có thể gây tắc nghẽn việc vận chuyển 20% lượng dầu mỏ thế giới, trong đó có 90% là dầu từ Iraq.
"Chúng tôi đã nghe về lời đe dọa đóng eo Hormuz và chúng tôi vẫn luôn thận trọng khi đi qua đây", chuẩn đô đốc Troy Shoemaker, chỉ huy nhóm tàu chiến hộ tống Abraham Lincoln qua eo Hormuz tuần này nói. Đây là lần thứ hai trong năm nay tàu sân bay này vượt eo Hormuz vào gần bờ biển Iran hơn.
Ông Shoemaker cho biết đoàn thủy thủ không có ý định khiêu chiến Iran khi thực hiện chuyến hành trình này, nhưng đây cũng là câu trả lời của Mỹ nếu hải quân Iran có hành vi leo thang quân sự. Mỹ tin rằng bất kỳ nỗ lực nào của Tehran nhằm chặn eo Hormuz cũng có thể dẫn đến các vụ tấn công bằng tên lửa hoặc mìn nhằm vào các tàu buôn.
"Không cần tốn nhiều mìn để thực hiện mục đích này", ông Shoemaker cho biết. "Điều đó có khả năng xảy ra và chúng tôi đã chuẩn bị để kiểm soát và đối phó với mọi tình huống".
Hải quân Mỹ khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ để chống lại những mối đe dọa ở vịnh Persian. Trên tàu sân bay Abraham Lincoln, đoàn thủy thủ luôn sẵn sàng để đảm bảo tàu sân bay có thể phóng các phi cơ trong trường hợp cần thiết. Một kho vũ khí lớn trên tàu chứa lượng bom khổng lồ có gắn laser và thiết bị định vị GPS. Các cơ sở bảo trì trong thân tàu có thể sữa chữa bất kỳ trục trặc nào, từ lỗi điện tử cho đến động cơ. Một nhóm gồm hàng chục thủy thủ có nhiệm vụ đưa máy bay vào không trung luôn luôn trong tư thế sẵn sàng.
Có những người được gọi là "chàng cừ khôi" chịu trách nhiệm về các hoạt động trên boong và ra hiệu lệnh cuối cùng để các chiến đấu cơ cất cánh. Các "tay thiện xạ" này cũng làm nhiệm vụ theo dõi áp suất của bệ phóng dùng để đẩy máy bay với tốc độ từ 0 lên 260 km/h trong khoảng hai giây. Nếu áp suất quá lớn, máy bay có thể bị vỡ nát. Ngược lại, nếu áp suất quá nhỏ, máy bay có thể ngừng và lao xuống biển.
"Chúng tôi có thể phóng 4 phi cơ trong một phút, sau đó thêm vài phút để chỉnh lại máy phóng và đưa các phi cơ tiếp theo vào vị trí", trung tá Mike Givens, một trong những "anh chàng cừ khôi" kể.
Hầu hết các thủy thủ không nói trực tiếp về mối đe dọa mang tên Tehran ở trong khu vực này mà sẽ chỉ nói rằng họ đã chuẩn bị để xử lý bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra. Chỉ huy của USS Abraham Lincoln, thuyền trưởng John D. Alexander, cho biết phần lớn các cuộc giao thiệp với hải quân Iran diễn ra thường xuyên và mang tính chuyên môn, với các tàu hoặc máy bay giám sát tàu sân bay hoặc liên lạc qua vô tuyến để thực hiện các truy vấn thường xuyên.
Tuy nhiên, Mỹ nhận định rằng hạm đội của Iran, dù đã lỗi thời và chỉ được trang bị với các tàu nổi và tàu ngầm nhỏ, vẫn có thể gây nguy hiểm cho một siêu tàu sân bay. "Họ có các tàu nhỏ, cũng có các tàu lớn hơn, tàu ngầm, họ có nhiều trang thiết bị", ông Alexander nói.
Hải quân Mỹ đã bàn tính về kịch bản Iran có thể bất ngờ tấn công vào các tàu chiến tối tân của Mỹ. Tư lệnh hạm đội 5 của hải quân Mỹ ở khu vực này cảnh báo rằng Iran có thể đã chuẩn bị những tàu nhỏ chứa bom, có thể đóng vai trò là tàu đánh bom tự sát nếu chiến sự bùng nổ. Tuy nhiên, kịch bản này chưa xảy ra và cũng không có sự cố nào lớn trong chuyến đi gần đây của hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln qua eo Hormuz.
Anh Ngọc (theo CNN)
0 nhận xét:
Post a Comment