Thursday, January 5, 2012

'Lạm phát giáng vào cả chục triệu người'

Trong cuộc phỏng vấn với BBC tiếng Việt nhìn lại một số vấn đề trong kinh tế Việt Nam năm 2011, ông Nguyễn Quang A nói lãnh đạo Việt Nam đã nhận ra được những vấn đề lớn dẫn tới bất ổn kinh tế.

'Lạm phát quán quân'

Ông Nguyễn Quang A nói "Lạm phát ở mức 18.58% đã giáng xuống hàng chục triệu người ở Việt Nam, không chỉ người nghèo mà tầng lớp thu nhập trung bình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều".

Truyền thông Việt Nam vào những ngày cuối năm nhìn lại một số điều được mô tả là "Những con số và sự kiện gây sốc" tác động mạnh tới người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Tổng kết một năm nền kinh tế Việt Nam, tờ VietnamNet bình luận, "như nhận định của lãnh đạo Chính phủ lạm phát Việt Nam không chỉ cao nhất châu Á mà còn thuộc hàng quán quân thế giới".

Bài của báo này mô tả "Nguyên nhân của lạm phát được cho là bắt nguồn từ những bất ổn của chính sách tiền tệ" và rằng "đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô".

Chính phủ Việt Nam phá giá tiền đồng ở mức 9,3% trong năm 2011. Mức phá giá, được Chính phủ gọi là "điều chỉnh tỷ giá" được xem là mạnh nhất trong lịch sử qua một lần điều chỉnh.

"Các doanh nghiệp nhà nước rất kém trong cái họ gọi là nhiệm vụ chính trị của mình"

Tiến sỹ Nguyễn Quang A

Thực trạng lạm phát và bất ổn về chính sách tiền tệ đã có hệ lụy tới một loạt biến động khác trong đó có việc các ngân hàng thương mại đua nhau đẩy lãi suất lên cao thậm chí tới 24-25% khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

VietnamNet dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói "tính đến tháng 9, có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa trong khi bình quân trước đây, trong mỗi năm trước bình quân có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể".

Tiến Sỹ Nguyễn Quang A tỏ ra hoài nghi về con số này và nói điều ông gọi là "số doanh nghiệp đã chết mà chưa chôn có thể còn nhiều hơn".

Ông Quang A cũng tỏ ra ngoài nghi về việc Truyền thông trong nước đưa tin 20 trong số 21 tổng công ty/tập đoàn nhà nước kinh doanh có lãi, trừ Vinashin.

"Khi mà nghe người ta báo cáo thì cũng cần phải kiểm tra chéo năm lần bảy lượt".

"Báo cáo trong hội nghị này hội nghị kia nhiều khi là được tô hồng hay bóp méo để phục vụ cho một mục đích gì đó".

'Rất kém về chính trị'

Mới đây ông Nguyễn Quang A có bài viết bàn về điều ông gọi là "Nhiệm vụ chính trị" của doanh nghiệp nhà nước.

Trả lời BBC ngày 30/12 ông nói "Việt Nam người ta hay nói về cái gọi là nhiệm vụ chính trị".

"Những nhà lãnh đạo ở Việt Nam từ ông Thủ tướng trở xuống, cho tới ông thứ trưởng hay cán bộ vụ...cho đến các doanh nghiệp nhà nước đều nhận họ là công cụ để thực hiện chính sách vĩ mô của nhà nước, có các nhiệm vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị".

"Nhiệm vụ quan trọng nhất của một doanh nghiệp là làm ăn có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, đóng nhiều thuế cho nhà nước"

"Nếu xét về ý nghĩa như thế thì các doanh nghiệp nhà nước là rất kém trong cái họ gọi là nhiệm vụ chính trị của mình"

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong các nhân vật có tiếng nói phản biện được dư luận chú ý nhiều cũng cảnh báo về điều ông mô tả là những bất ổn xã hội không thể kiểm soát được từ hệ quả của thực trạng bất ổn kinh tế và lạm phát cao.

"Tại Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Tổng Bí thư phải nói rằng nếu đảng này không tự thay đổi thì có nguy cơ đến sự tồn tại của chính nó".

"Chính sách là ai đưa ra vẫn là các vị ấy, vậy thì cần phải thay đổi chính sách".

"Nhìn nhận được ra những vấn đề đó là quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách nghĩ",

"Nếu cứ gắn tư duy vào những chính sách, chủ trương tính bằng 5 năm...và không dám thay đổi thì tương lai sẽ rất mờ mịt" Tiến Sỹ Nguyễn Quang A khuyến cáo.

Theo BBC

VN siết chặt kiểm soát ngoại tệ

Khách sạn 5 sao Sofitel Metropole ở Hà Nội bị phạt hành chính ở mức tối đa 500 triệu đồng do niêm yết giá trên các menu ăn uống nhà hàng, quán bar bằng đôla Mỹ.

Trang web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa tin quyết định xử phạt hành chính ngày 27/12/2011 bao gồm cả việc được mô tả là "khách sạn này ký hợp đồng cho thuê gian hàng với khách hàng trong nước bằng đôla".

Bản tin mô tả đây là những vị phạm qui định tại một nghị định được Thủ tướng chính phủ ký ngày 20/10/2011, là nghị định bổ sung một số điều của một nghị định trước đây cũng của chính phủ ban hành cách nghị định này bảy năm.

Cả nghị định bổ sung (95/2011/NĐ-CP) và nghị định trước đó (202/2004/NĐ-CP) là để xử phạt điều được gọi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Những vi phạm được nói trong quyết định xử phạt với số tiền 500 triệu VND (khoảng 24 ngàn đôla) được dẫn chiếu tới khung "phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 VND đối với một trong những hành vi bao gồm niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật.”

'Không hề biết gì'

Một đại diện của khách sạn Sofitel Metropole nói với BBC tiếng Việt ngày 04/01 rằng họ "không hề biết gì về việc này và chỉ nắm được thông tin qua báo chí, do đó không thể bình luận gì cả".

"Nỗ lực trước đây nhằm giảm việc dùng đôla và vàng qua các biện pháp hành chính chỉ có hiệu quả ngắn ngày"

Ben Bland, Phóng viên Financial Times (Hà Nội)

Một số khách sạn tại Việt Nam BBC hỏi chuyện qua điện thoại nói việc niêm yết giá phòng, thực đơn, dịch vụ bằng tiền đô là khá phổ biến và rằng trong bối cảnh tiền đồng mất giá thì không có nhiều khách sạn chào giá và dịch vụ bằng tiền đồng.

Tuy nhiên cũng có một số khách sạn lớn và các cửa hàng bán đồ xa xỉ đã chuyển sang niêm yết từ đôla sang tiền đồng, mặc dù các khách hàng vẫn có thể đổi đôla sang đồng ngay tại lễ tân hay trong cửa hàng.

Lạm phát cao và tiền đồng mất giá ở mức kỷ lục khiến nhiều người dân tại Việt Nam mua vàng và đôla để trữ, tạo thêm sức ép liên hoàn cho tiền đồng.

Phóng viên Ben Bland của Financial Times tại Hà Nội bình luận trên blog rằng bằng việc nhắm vào khách sạn hàng đầu tại đây để xử phạt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam muốn gửi đi thông điệp rằng họ quyết tâm siết chặt thực trạng sử dụng ngoại tệ.

"Tuy nhiên các nỗ lực trước đây nhằm giảm việc dùng đôla và vàng qua các biện pháp hành chính chỉ có hiệu quả ngắn ngày."

"Giới buôn bán, các nhà đầu tư và dân thường tại Việt Nam đã và đang rất thành thạo trong việc luồn lách những lệnh cấm của chính phủ khi họ thấy cần phải làm, cốt để bảo vệ lợi ích tài chính của mình," phóng viên Ben Bland nhận định.

Một kinh tế gia hàng đầu tại Việt Nam muốn ẩn danh nói với BBC điều ông gọi là các biện pháp hành chính của nhà nước chỉ có tính nhất thời.

"Việc cấm đoán kể cả tại thị trường chợ đen chỉ như một cơn mưa rào. Cỏ rạp xuống, sau đó cỏ lại mọc lên mơn mởn, nhanh và thậm chí còn nhiều hơn", kinh tế gia này nói.

Theo BBC

Tổ chức quốc tế chú ý vụ Hoàng Khương

Tổ chức vận động cho tự do báo chí của Pháp kêu gọi Việt Nam trả tự do cho phóng viên Hoàng Khương, người bị bắt tuần này.

Báo Công An Nhân Dân hôm nay nói phóng viên Hoàng Khương “cùng các đối tượng liên quan đã bàn tính kỹ càng từ trước những nội dung nhằm mục đích có lợi cho bản thân và em vợ mình”.

Em vợ phóng viên báo Tuổi Trẻ, tên là Nguyễn Đức Đông Anh, cũng bị bắt tại TP. HCM.

Trong khi đó, Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), tổ chức đặt tại Pháp, ngày hôm nay tuyên bố ông Hoàng Khương “không nên bị khởi tố”.

Hãng tin AFP từ Hà Nội dẫn lại một thông cáo của RSF nói: “Ông Khương không nên bị khởi tố tội đưa hối lộ vì những gì ông làm trong khi đang điều tra bí mật.”

“ Nhà chức trách nên trả tự do ngay cho ông vì lợi ích công chúng,” RSF nói.

Theo AFP, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải từ chối cho biết chi tiết khi phóng viên AFP liên lạc.

Vụ bắt giữ gây ra tranh luận về đạo đức báo chí tại Việt Nam.

AFP ghi nhận việc nhà báo Huy Đức viết bài trên Facebook rằng “nếu gài bẫy để lật mặt hành vi tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền, thì cho dù không khuyến khích cũng không nên coi đó là tội phạm”.

Nhưng theo AFP, luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội cho rằng hành vi của ông Khương “không tốt khi nhìn từ góc độ đạo đức” và rằng phóng viên này lẽ ra nên trình báo công an trước khi đăng bài.

Trong khi đó, báo Công An Nhân Dân nói ông Khương “đã lợi dụng cương vị của mình là nhà báo để viết bài đăng báo, nhằm mục đích ép Huỳnh Minh Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật”.

Ông Huỳnh Minh Đức, nguyên Cảnh sát Giao thông quận Bình Thạnh, bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái cùng hai người khác, Tôn Thất Hòa và Trần Anh Tuấn, sau hai bài báo trên Tuổi Trẻ.

Theo BBC

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More