Friday, April 22, 2011

Mỹ điều máy bay tàng hình tới Libya


Hoa Kỳ chuẩn bị điều chiến đấu cơ tàng hình Predator tới Libya trong khi quân nổi dậy tiếp tục giao tranh với quân của Đại tá Muammar Gaddafi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói Tổng thống Barack Obama đã chuẩn thuận việc sử dụng các máy bay Predator trong chiến dịch ở Libya để tăng độ chính xác của hoạt động quân sự.

Các chiến đấu cơ loại này đã đang được sử dụng trong cuộc chiến với dân quân dọc biên giới Pakistan-Afghanistan.

Quân nổi dậy Libya giao tranh với quân đội của Đại tá Gaddafi từ tháng Hai năm nay, thế nhưng chưa tạo được đột phá.

Ông Gates nói tại một cuộc họp báo: "Tổng thống Obama nói rằng nếu chúng ta có trong tay công lực đặc biệt thì ông sẵn sàng sử dụng chúng".

Ông bộ trưởng cho hay Mỹ đã cấp hai chiếc Predator cho Nato như "một sự đóng góp khiêm tốn" cho hoạt động quân sự của liên quân tại Libya.

Ông bác bỏ bình luận rằng việc điều máy bay tàng hình là chỉ dấu leo thang chiến sự ở Libya và nói hiện Mỹ vẫn chưa có kế hoạch đặt chân vào Libya.

Tướng James Cartwright, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, nói các chiến đấu cơ vừa được triển khai lần đầu hôm thứ Năm nhưng phải quay trở về vì thời tiết quá xấu.

Ông nói máy bay tàng hình, vốn có khả năng bay thấp hơn các loại chiến đấu cơ khác, "phù hợp hơn hẳn tại các khu vực đô thành" với khả năng phát hiện các mục tiêu vượt trội.

Diễn biến chiến sự

Sáng thứ Năm, phe nổi dậy đã chiếm kiểm soát một trạm gác ở biên giới với Tunisia sau khi khoảng 100 lính của chính phủ phải rút lui.

Trạm gác này nằm trên con đường giữa thị trấn Nalut của Libya với Dehiba của Tunisia.

Đây là thắng lợi hiếm hoi của quân nổi dậy tại miền tây đất nước theo sau các cuộc giao tranh dữ d̀ội ở vùng núi.

Các nhà báo không được phép tới các khu vực xa côi tại Libya và do vậy khó có thể kiểm chứng được thông tin này.

Chiến sự căng thẳng tiếp tục tại thành phố Misrata, tin cho hay ít nhất bảy người thiệt mạng hôm thứ Năm 21/04.

Các nhân viên y tế nói hơn 1.000 đã chết trong những tuần lễ qua.

Người dân thì nói họ bị các tay súng bắn tỉa nhắm bắn trên đường phố.

Quân nổi dậy tại Misrata cũng cáo buộc đã phát hiện ra dấu vết của bom chùm nhưng chính phủ Libya bác bỏ cáo buộc họ sử dụng loại vũ khí sát thương này.

Phóng viên BBC Orla Guerin tại Misrata nói bà đã tận mắt nhìn thấy loại bom này, mà các bác sỹ nói có thể gây ra các vết thương khủng khiếp, khiến nạn nhân mất chân tay.

Hôm thứ Tư, hai nhà báo thiệt mạng trong một cuộc pháo kích ở Mistrata. Đó là nhà làm phim Tim Hetherington người Anh và phóng viên ảnh Chris Hondros người Mỹ.

Một bác sỹ người Ukraina cũng thiệt mạng trong một vụ nổ pháo khác tại Misrata hôm thứ Tư. Vợ ông này thì bị thương nặng.

Người phát ngôn của chính phủ Moussa Ibrahim tuyên bố nếu quân đội nước ngoài tiến vào Misrata thì chính quyền sẽ "giáng đòn khủng khiếp".

"Chúng tôi sẽ là núi lửa. Chúng tôi sẽ khiến mọi sự tồi tệ hơn Iraq 10 lần."

Hàng trăm nhân viên cứu trợ nước ngoài, dân Libya và người bị thương đang được sơ tán khỏi Misrata bằng đường biển tới thành phố Benghazi do quân nổi dậy kiểm soát ở miền đông.

BBC

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More