Thursday, March 31, 2011

Bahrain khác hẳn Libya và Ai Cập

TTCT - Ngày 6-3 vừa qua, hàng ngàn người Bahrain theo Hồi giáo Shiite đã xuống đường chặn cổng vào dinh thủ tướng Khalifa bin Salman Al Khalifa. Trong khi đó ở Libya, ông Gaddafi dồn sức cùng tái chiếm đất đai và quyền lực đã mất.

Cả hai ông Gaddafi ở Libya và Khalifa ở Bahrain hầu như gặp phải chống đối cùng lúc. Ở Bahrain, cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra hôm 14-2, phản ứng của ông Khalifa rất “cổ điển”: đàn áp, một thanh niên chết.

Qua hôm sau, đám tang thanh niên này biến thành biểu tình, cảnh sát lại nổ súng: một người chết, 25 người bị thương. 3g sáng ngày 17-2, cảnh sát bất ngờ tràn vào quảng trường Hạt Trai (nguồn lợi khác của Bahrain bên cạnh dầu hỏa và du lịch), nơi dân biểu tình dựng lều cắm trại qua đêm: ba người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, theo truyền hình Al Jazeera. Thủ tướng mà đám đông đòi lật đổ chẳng ai khác là chú ruột của quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa, tại vị gần 40 năm qua, được xem là người giàu nhất Bahrain (1).

Ở Libya, biểu tình nổ ra trễ hơn hai ngày. Đến ngày 16-2 mới bùng nổ tại thành phố lớn thứ nhì của Libya là Benghazi và tại thị trấn Zentan. Qua hôm sau, biểu tình nổ ra tại thủ đô Tripoli và 24 người trúng đạn, theo New York Times. “Đối tượng” nhắm đến không ai khác là đại tá Gaddafi, người đã cầm quyền hơn 41 năm, hơn ông Khalifa ở Bahrain một năm.

Đồng minh siêu chiến lược

Chẳng “mèo nào cắn mỉu nào", có khác chăng là hai ông này đã không “phò” cùng “một chúa”. Nhà nghiên cứu cao cấp Stephen Zunes của Foreign Policy in Focus kiêm giáo sư Trung Đông học ĐH San Francisco nhận xét về quan hệ đặc biệt với Mỹ của quốc vương Bahrain như sau: “Hạm đội thứ năm cùng bộ tư lệnh trung tâm hải quân Mỹ đóng tại đây, kiểm soát 1/5 đất nước bé xíu này, biến khu vực phía nam hòn đảo này tuyệt đối “bất khả xâm phạm” đối với người dân Bahrain... Cựu chủ tịch liên quân, đô đốc William Crowe có lần nói với tôi rằng Bahrain là đồng minh tuyệt hảo mà nước Mỹ có thể có được trên thế giới này. Tất cả là nhờ nhà độc tài thân Mỹ, vua Hamad bin Isa Al Khalifa. Hoàng thân Khalifa bin Salman Al Khalifa, chú của vua, cai trị gần 40 năm qua. Cả hai đều một lòng một dạ với mối quan hệ đồng minh sát cánh cùng Mỹ. Và cả quan hệ kinh tế nữa. Bahrain là nước Ả Rập đầu tiên sản xuất dầu hỏa từ năm 1932. Hãng dầu Standard Oil of California (nay đổi tên là Chevron), kế đó là Hãng dầu Texaco, thay nhau kiểm soát dầu hỏa đất nước này qua việc làm chủ sở hữu công ty dầu Bahrain Petroleum Company, cho đến khi chính phủ nước này mua lại công ty vào năm 1980”.

Nhìn vào bản đồ vùng vịnh Ba Tư sẽ thấy Bahrain như là “lan can” trên biển của Saudi Arabia và UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), bên kia biển là Iran. Chuyện hạm đội thứ năm của Mỹ có đóng hết 1/5 đảo quốc Bahrain diện tích chỉ 750km2 (lớn hơn Phú Quốc, 574km2, một chút) cũng không có gì lạ, không khác gì chuyện thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Okinawa.

Bảo vệ từ A đến Z

Chính nhờ mối quan hệ đặc biệt đó mà Bahrain có được một số phận khác với Libya của ông Gaddafi vốn cứ thích đối nghịch Mỹ suốt. Trong làn sóng biểu tình từ hơn ba tuần qua ở thủ đô Manama, thái độ của Chính phủ Mỹ thể hiện một sự phản kháng trong bao dung. Hôm 15-2, trợ lý ngoại trưởng Crowley ra tuyên bố: “Chúng tôi nhận được khẳng định có hai người phản đối ở Bahrain bị giết... Nước Mỹ hoan nghênh các tuyên bố của Chính phủ Bahrain sẽ điều tra về các cái chết đó và sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại việc sử dụng vũ lực của cơ quan an ninh Bahrain” (2). Chưa kịp thấy điều tra gì như Chính phủ Bahrain đã hứa thì xảy ra vụ quảng trường Hạt Trai ngày 17-2.

Ngày 18-2, bà Christiane Amanpour, nữ phóng viên chiến tranh vùng Vịnh và là phu nhân của nguyên phụ tá ngoại trưởng kiêm người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ James Rubin, đã nói chuyện tay đôi với Ngoại trưởng Hillary Clinton trên truyền hình ABC. Bà Christiane Amanpour chất vấn: “Mới cách đây mấy tháng bà đã gọi Bahrain là một đối tác mẫu mực, một mô hình cải cách. Vậy mà họ đang đàn áp ngay lúc chúng ta đang nói chuyện ở đây. Nước Mỹ sẽ lên án hay nương nhẹ Bahrain y hệt như với Ai Cập? Liệu sẽ gọi đó là (giai đoạn) chuyển tiếp?”.

Ngoại trưởng Clinton trả lời: “Lập trường và nguyên tắc của chúng tôi ở Ai Cập cũng như ở Bahrain. Chúng tôi muốn thấy các nước đó tiến đến dân chủ. Và chúng tôi sẽ vẫn nói như vậy”. Thế là bà Christiane Amanpour phản bác: “Vẫn có những chuyện xảy ra không như bà kêu gọi, kiềm chế và không sử dụng bạo lực. Vẫn cứ là bạo lực. Mỹ sẽ làm gì hay cũng sẽ nương tay với Bahrain như với Ai Cập?”.

Thấy không có gì “nhúc nhích”, đến ngày 23-2 tờ Christian Science Monitor bực dọc viết: “100.000 người phản kháng hôm qua đã nổi lên mạnh mẽ hơn nữa. Trước tình hình leo thang này, ông Obama phải làm hơn nữa chứ không chỉ tố giác bạo lực suông. Nước Mỹ phải buộc Bahrain tăng quyền hạn cho quốc hội vốn bị tàn phế” (3). Hai ngày sau, Tổng thống Obama ra tuyên bố: “Tôi hoan nghênh loan báo của vua Hamad bin Isa Al Khalifa về những thay đổi quan trọng trong nội các và tái khẳng định cải cách. Mỹ ủng hộ sáng kiến đối thoại quốc dân của thái tử Salman bin Hamad al-Khalifa...” (4).

Bỗng dưng xuất hiện nhân vật thái tử vào lúc dân chúng đòi dẹp luôn quốc vương! Quốc hội Bahrain vẫn tê liệt vì phe người Shiite tẩy chay. Chức vụ quan trọng nhất và lâu đời nhất là thủ tướng vẫn cứ trong tay chú ruột của vua. Và người phản kháng vẫn cứ biểu tình ở cổng dinh thủ tướng đòi bình đẳng giữa người Bahrain theo Hồi giáo Shiite và người Bahrain theo Hồi giáo Sunni.

Dựa vào thế lực nào mà vua Hamad cứ lưu nhiệm người chú thủ tướng của mình? Không có gì lạ. Tuần trước, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Jeffrey Feltman ghé Bahrain. Ông tuyên bố: “Nước Mỹ vẫn giữ cam kết ở Bahrain... Bahrain là một đối tác then chốt của Mỹ đang dấn bước... Hơn bao giờ hết, Bahrain đang có cơ hội độc nhất so với cả khu vực và thế giới là đạt đến một sự đồng thuận rộng rãi về hình thức cải cách có thể cho phép dân chúng Bahrain cảm thấy được tham gia quyết định liên quan đến cuộc sống của mình... Chúng tôi ủng hộ các bước làm giảm căng thẳng của quốc vương, chúng tôi yêu cầu thái tử tiến hành đối thoại toàn dân, không loại trừ ai... Người Bahrain có thể trông cậy sự hậu thuẫn của Mỹ đối với một sự đồng thuận về con đường đi tới”.

Trợ lý ngoại trưởng họp báo chia tay hôm 3-3, đến ngày 6-3 vẫn có biểu tình chống “thủ tướng 40 năm” Khalifa. Đúng là Bahrain có “cơ hội độc nhất”, không như Libya của Gaddafi. Ông này đang vùng vẫy giành lại đất đai vào lúc mà một bản án của Tòa án hình sự quốc tế đang được chuẩn bị, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết 1970 đưa nội vụ ra tòa án này. Cũng không như Ai Cập của ông Mubarak, vua Bahrain đã biết rút kinh nghiệm các “đồng cấp” của mình ở Tunisia và Ai Cập: có xài súng ống cũng bớt bớt hơn và ngoan ngoãn dựa vào “đồng minh”!

HỮU NGHỊ

__________

(1) America blows It on Bahrain, by Stephen Zunes, Foreign Policy in Focus, March 2, 2011
(2) February 15, 2011, Statement by Philip J. Crowley
(3) “Bahrain protests: A point of no return for ruling family - and Obama”, CSM February 23, 2011
(4) Statement by President Obama on Bahrain, 27 February 2011

Tuoitre

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More