Một số nguồn khả tín cho BBC hay hai tàu tuần tra cao tốc lớp Projekt 10412 Svetlyak sẽ được chuyển tới Việt Nam cuối mùa xuân năm nay.
Hiện hai tàu này đã qua chạy thử tại nhà máy đóng tàu Vostochnaya Verf ở thành phố Vladivostok và sẽ được bàn giao trong nay mai.
Thời điểm chuyển tới Việt Nam được nói là cuối mùa xuân, có thể vào tháng Năm.
Hai tàu này giống hệt hai chiếc trước đã được nhà máy đóng tàu Almaz ở thành phố Saint Petersburg ký kết bàn giao cho Việt Nam vào tháng 10/2011.
Năm 2002, Nga đã chuyển cho Việt Nam hai chiếc tàu tuần tra lớp Svetlyak khác, phiên bản Projekt 10410, mà Việt Nam đặt số hiệu là HQ-261 và HQ-263.
Như vậy sau khi nhận hai chiếc Projekt 10412 trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có trong tay tổng cộng sáu chiếc tàu tuần tra biên phòng cao tốc lớp Svetlyak.
Các tàu tuần tra, bên cạnh các hệ thống hỏa tiễn phòng thủ giao hàng từ năm ngoái, được cho sẽ tăng cường đáng kể khả năng tuần tra và phòng thủ biển của Việt Nam.
Các tàu sản xuất tại hai nhà máy Almaz và Vostochnaya Verf được thực hiện theo hợp đồng ký từ nhiều năm trước thông qua tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport.
Tăng cường pháo lực
Chiến hạm Svetlyak Projekt 10412 được đóng dựa trên cơ sở tàu tuần tra biên phòng Projekt 10410 do Viện TsMKB Almaz thiết kế cho các đơn vị hải quân biên phòng của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) vào cuối thập niên 1980.
Các tàu này không có thiết bị chống tàu ngầm, nhưng được trang bị các ụ pháo АК-176M, 8 tên lửa chống hạm và 16 tên lửa phòng không.
Tàu có trọng tải 364 tấn, hoạt động với hệ thống thủy lực gồm ba động cơ diesel tự động, tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ.
Giới chuyên gia cho rằng mỗi chiếc thuộc lớp Projekt 10412 có trị giá khoảng 50 triệu đôla.
Hải quân Việt Nam tới nay sở hữu 2 tàu hộ tống Gepard 3.9, 2 tàu tuần tiễu loại nhẹ BPS – 500, 5 chiếc lớp Petya-III, 4 tàu hỏa tiễn lớp Tarantul I và tàu chiến siêu tốc Molnya có trang bị tên lửa siêu âm chống hạm và tên lửa phòng không tầm ngắn.
Quân đội Việt Nam cũng đã đặt sáu tàu ngầm hạng Kilo từ Nga, đồng thời có kế hoạch mua thêm hai hộ tống hạm Gepard khác.
Ngân sách Quốc phòng Việt Nam năm 2011 được nói vào khoảng 2,6 tỷ đôla.
Có thể nói Nga đóng vai trò chủ lực trong quá trình hiện đại hóa hải quân Việt Nam, tuy gần đây Việt Nam cũng muốn mở rộng hợp tác mua bán vũ khí ra các quốc gia vốn "không truyền thống" khác.
Việt Nam cũng đang hy vọng sẽ tự sản xuất tàu chiến ở trong nước theo bản quyền của nước ngoài. Năm ngoái, một nhà máy ở trong nước loan báo đã lần đầu tiên đóng mới thành công tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động.
Theo BBC
0 nhận xét:
Post a Comment