Wednesday, April 24, 2013

Luật đất vẫn giữ ‘sở hữu toàn dân’?

BBC- Hội nghị tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội Việt Nam về dự án sửa Luật Đất đai vẫn kết luận cần duy trì chế độ ‘sở hữu toàn dân’ do Nhà nước làm đại diện và chủ động quyết định cách dùng quỹ đất.
Nông dân Việt Nam chỉ được sử dụng quỹ đất có từ nghìn năm của họ
Tại phiên họp hôm 24/4/2013 ở Hà Nội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Thứ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Mạnh Hiển đã tóm tắt kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với Dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Dù thừa nhận sửa đổi Luật Đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và “phải giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay”, quan chức này vẫn nêu ra rằng chế độ sở hữu toàn dân là phù hợp với nhu cầu của hệ thống hiện nay.

Để Nhà nước được chủ động

Ông Hiển cũng nói rõ ra rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu này nhằm phục nhu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu Nhà nước nêu ra:
“[Việc thực hiện quy định] nhằm bảo đảm cho Nhà nước chủ động trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng,”
Ngoài ra là còn để “phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, theo ông Nguyễn Mạnh Hiển được các báo của chính phủ và  Đảng Cộng sản Việt Nam trích dẫn cùng ngày.
Khác với đa số các quốc gia coi sở hữu tư nhân về đất đai là “bất khả xâm phạm”, ở Việt Nam người dân chỉ được quyền “sử dụng đất được giao”.
Người dân cũng “có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Theo trang của Đảng Cộng sản (cpv.org.vn), tại Hội nghị, dù Bộ Tài nguyên – Môi trường còn tiếp tục nhận các ý kiến từ đại biểu Quốc hội, Hội nghị đã kết luận rằng “đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai”.

Lý do là để “đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội” và Nhà nước sẽ chỉ điều chỉnh tỷ giá và cách thực hiện chính sách bồi thường thu hồi đất.
Đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đều khẳng định
sự tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai"
Tuy nhiên, chính chế độ sở hữu đất và các vụ 'cưỡng chế đất' như tại Văn Giang một năm trước đây và ở Tiên Lãng đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Hiện có sự khác biệt lớn giữa cách nhìn luật đất và chế độ sở hữu đất ở Việt Nam và trên thế giới, nhất là tại các quốc gia cấp viện giúp Việt Nam cải tổ hệ thống pháp luật.
Các nước này có quan điểm rằng sở hữu tư nhân về đất đai gắn liền với các quyền kinh tế và dân sự cơ bản của công dân, còn chính quyền Việt Nam chỉ coi đây là vấn đề kinh tế hoặc an ninh xã hội nếu xảy ra va chạm và tranh chấp đất.
Chẳng hạn, trong  Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Anh về Việt Nam, Anh Quốc dự đoán “quyền đất đai sẽ là một chủ đề trong năm 2013”.
Anh Quốc trong năm nay cũng sẽ dùng vai trò chống tham nhũng của họ trong nhóm các nước cấp viện từ EU với Việt Nam để “thách thức chính phủ Việt Nam và nêu bật tầm quan trọng của vấn đề luật đất đai”.
Cùng thời gian, một số chuyên gia, nhân sỹ Việt Nam cũng liên tục lên tiếng cho rằng chính việc giao nhiều quyền xử lý, quản trị đất đai cho các cơ quan công quyền cấp địa phương là lỗ hổng gây tham nhũng và bất công xã hội, dẫn tới bất ổn.
Tuy vậy, sử luật đất đai còn liên quan đến định nghĩa về thể chế và các nguyên tắc của hệ thống 'xã hội chủ nghĩa' vốn không còn được duy trì ở Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng vẫn là nền tảng của chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam.

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More