Cao ủy phụ trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói con số người thiệt mạng trong đợt nổi dậy ở Syria lên hơn 5.000.
Bà Navi Pillay phát biểu tại một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an rằng giới chức Syria đã bắt giữ 14.000 người và 12.400 người phải bỏ trốn sang các quốc gia lân cận.
Ít nhất 20 người chết trong các cuộc đụng độ hôm thứ Hai, theo các giới hoạt động đối lập.
Đợt bầu cử địa phương vừa được tổ chức trong bối cảnh có bạo lực, thế nhưng con số cử tri đi bầu chắc là khá thấp.
Nhà chức trách nói cuộc bầu cử tự do hơn các lần trước, nhưng phe đối lập vẫn kêu gọi tẩy chay và tổ chức tổng đình công.
Hãng thông tấn nhà nước Syria nói người dân "đổ xô đi bầu cử".
Tuy nhiên phóng viên BBC Jonathan Head, hiện có mặt tại nước Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng, nói phe đối lập cho hay ít có chỉ dấu rằng đang có bầu cử và gần như không ai đi bầu cả.
Kêu gọi hành động
Bà Navi Pillay mô tả tình hình ở Syria là "không thể dung thứ" và có lẽ đã xảy ra các tội ác chống lại loài người.
Bà Pillay nói bà ước tính đã có hơn 5.000 người chết, không kể quân đội và cảnh sát.
Chính phủ Syria cho biết hơn 1.000 binh lính của họ đã thiệt mạng.
Hiện rất khó để xác nhận một cách chính xác con số người chết tại Syria vì không có quan sát viên độc lập tại chỗ và chính phủ nước này cũng không cho báo chí nước ngoài tiếp cận bên trong.
Cao ủy Pillay nói các cuộc biểu tình ở Syria kể từ khi làn sóng phản đối bùng nổ hồi tháng Ba nói chung là hòa bình, thế nhưng các cuộc tấn công vào lực lượng chính quyền đang tăng lên.
Bà cũng cảnh báo rằng nếu cộng đồng quốc tế không có hành động gì thì chính phủ Syria sẽ lại càng cứng tay thêm.
Liên hiệp châu Âu đã đưa ra 10 biện pháp chế tài đối với chính phủ Syria, và Liên đoàn Ả Rập cũng đình chỉ tư cách thành viên của nước này, thế nhưng LHQ còn chưa thông qua nghị quyết lên án Damascus.
Nga và Trung Quốc đều phủ quyết dự thảo về việc này, do châu Âu khởi xướng hồi tháng Mười, trong khi Ấn Độ, Nam Phi và Brazil cũng tỏ ra ngần ngại ủng hộ động thái này tại Hội đồng Bảo an.
Bà Pillay kêu gọi Hội đồng Bảo an "lên tiếng cùng một giọng. Các biện pháp khẩn cấp, có hiệu quả cần được đưa ra một cách tập thể và kiên quyết để bảo vệ người dân Syria".
"Các biện pháp khẩn cấp, có hiệu quả cần được đưa ra một cách tập thể và kiên quyết để bảo vệ người dân Syria."
Cao ủy nhân quyền LHQ Navi Pillay
Sau khi gặp bà Pillay, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói ông "rất bàng hoàng trước những gì ông được nghe về các hành động tội ác ở Syria".
Ông nói các nước thành viên Hội đồng Bảo an còn đang ngần ngừ không muốn lên án Damascus cần phải thay đổi lập trường.
Phóng viên BBC Kim Ghattas tại Washington nói hiện chưa thấy có giải pháp gì trước mắt.
Trong khi bạo lực tiếp diễn, các nước láng giềng của Syria và các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Pháp và Anh, đang phải tìm cách quyết định sẽ làm gì.
Tổng đình công
Tin cho hay các cuộc đụng độ tiếp diễn ở nhiều thành phố hôm thứ Hai, với ít nhất 20 thiệt mạng.
Các ủy ban điều phối ở địa phương, tức mạng lưới của giới hoạt động dân chủ, nói các vụ chết người xảy ra tại Idlib ở miền bắc, Homs và Hama ở miền nam, và ở ngoại ô Damascus. Tình trạng giao tranh dữ dội cũng diễn ra ở tỉnh Deraa ở miền nam.
Các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức trong nước, là một phần của kế hoạch cải cách chậm trễ và không hoàn toàn thuyết phục được Tổng thống Assad loan báo vài tháng trước.
Phóng viên Jonathan Head nói giới chức chính quyền tuyên truyền có đông người đi bầu cử, đồng thời cũng phát lời kêu gọi người dân tham gia bỏ phiếu cứu nước từ chính thủ tướng.
Thế nhưng phóng viên chúng tôi cho biết ở các vùng như Homs, Hama, Deraa, Deir al-Zour, Idlib, thậm chí ngay tại Damascus, vẫn còn cảnh giao tranh và biểu tình.
Phe đối lập đã kêu gọi tổ chức tổng đình công vào dịp cuối tuần và cuộc sống trong cả nước dường như chững lại.
0 nhận xét:
Post a Comment