Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn Bộ Ngoại giao đưa tin Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm Việt Nam từ 20/12-22/12.
Báo chí Trung Quốc trong khi đó chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về chuyến đi của ông Tập, người cũng giữ vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và được cho là trong tương lai sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Nếu chuyến đi diễn ra, thì ông Tập Cận Bình cũng là nhân vật cao cấp nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam có ban lãnh đạo mới vào tháng 1/2011.
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc hồi tháng 10.
Nội dung chuyến thăm của ông Tập chưa được công bố chi tiết.
Một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung ở trong nước, đề nghị giấu tên, nói với BBC rằng chuyến đi của ông phó chủ tịch Trung Quốc 'có thể liên quan tới các động thái gần đây trong bang giao quốc tế'.
"Thái độ mạnh bạo, thậm chí hung hăng của Bắc Kinh đã bị nhiều quốc gia chỉ trích, bởi vậy ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ có các chuyến công du để xoa dịu dư luận và hàn gắn quan hệ."
Trong khi đó, giới bình luận cũng ghi nhận thái độ khá mạnh mẽ của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
'Đòi hỏi chủ quyền'
Hôm 25/11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước Quốc hội Việt Nam rằng chủ trương của Việt Nam là đàm phán để đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt hoàn toàn từ năm 1974.
Phát biểu được đánh giá là cho thấy 'sự chuyển dịch trong chính sách về chủ quyền' này chưa gặp phản ứng đáng kể nào từ chính giới Trung Quốc.
Tiếp sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có chuyến công du các tỉnh biên giới phía Bắc, tới nhiều địa điểm 'nhạy cảm' gắn liền với những năm tháng sóng gió trong quan hệ Việt-Trung như thác Bản Giốc, biên giới Hà Giang và Cột cờ Lũng Cú.
Một lần nữa, cũng chưa thấy có phản ứng gì từ phía Trung Quốc.
Gần đây nhất, hôm thứ Hai 12/12 trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh với giới chức ngoại giao 'bài học đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ'.
Một số nhà quan sát nói dường như Bắc Kinh đang giữ thái độ hòa hoãn.
Việc giới chức ngoại giao ở Hà Nội 'rò rỉ' thông tin về chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình cho báo giới trước khi hai bên có thông báo chính thức có thể là để phô bày điều được cho là 'xuống thang' của Trung Quốc trước lập trường cứng rắn của Việt Nam.
Ban lãnh đạo Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ dư luận trong nước đòi hỏi phải có thái độ và hành động dứt khoát trước chính sách đối ngoại-quốc phòng hung hăng của Trung Quốc.
Source: BBC
0 nhận xét:
Post a Comment