Monday, December 12, 2011

Chấn chỉnh các tập đoàn kinh tế

Chính phủ Việt Nam đã có một phiên họp quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước hôm thứ Sáu ngày 9/12.

Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách mảng tài chính và Hoàng Trung Hải phụ trách mảng công thương chủ trì hội nghị.

Tập đoàn kinh tế là mô hình tổ chức mới trong khu vực kinh tế nhà nước của Việt Nam được thí điểm từ năm 2005. Theo mô hình này, các doanh nghiệp nhà nước có quan hệ về vốn hoặc hợp tác tập hợp lại tạo thành những doanh nghiệp khổng lồ chi phối cả ngành công nghiệp mà tập đoàn đó đang hoạt động.

Các doanh nghiệp trong tập đoàn đều có tư cách pháp nhân riêng và quan hệ với nhau theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Các tập đoàn được thành lập bằng cách tập hợp các tổng công ty có cùng ngành nghề lại với nhau theo mệnh lệnh của chính phủ.

Sau sáu năm thí điểm, số lượng tập đoàn kinh tế của Việt Nam hiện nay dừng lại ở con số 12.

Các tập đoàn này nắm vai trò thống lĩnh trong các ngành công nghiệp chủ chốt của kinh tế Việt Nam bao gồm: cao su, tàu thủy, than-khoáng sản, dầu khí, điện lực, dệt may, bảo hiểm, hóa chất, xây dựng, phát triển nhà và đô thị.

Riêng lĩnh vực bưu chính viễn thông có đến hai tập đoàn là Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.

Không ai quản lý?

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch đầu tư do Thứ trưởng Đặng Huy Đông trình bày tại phiên họp, các tập đoàn đang chiếm đến đến 30% giá trị tài sản, 51% vốn và 40% tổng số lao động của khu vực kinh tế quốc doanh.

Còn nếu tính trong toàn bộ nền kinh tế, các tập đoàn chiếm 10% tổng giá trị tài sản, 14% tổng số vốn và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.

Bộ Kế hoạch đầu tư đánh giá rằng mặc dù các tập đoàn tăng nhanh về quy mô nhưng hiện nay chưa có tập đoàn nào vươn lên tầm khu vực và thế giới; một số tập đoàn đang tiềm ẩn những rủi ro về tài chính; có đầu tư ra nước ngoài nhưng thị trường vẫn còn nhỏ bé.

Bộ lưu ý rằng quy mô của các tập đoàn tăng lên phần lớn là do vốn vay mà có.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư cũng chỉ ra rằng hầu hết các tập đoàn đều kinh doanh có lời nhưng mức lời không cao, không tương xứng với những ưu ái và hỗ trợ mà chính phủ dành cho các tập đoàn. Đặc biệt, lợi nhuận của các tập đoàn đang có xu hướng giảm dần.

Ngay cả những trường hợp có lợi nhuận cao thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 12, 13% như trường hợp của PetroVietnam và Viettel, tức là thấp hơn cả lãi suất ngân hàng.

Khúc mắc lớn nhất của các tập đoàn kinh tế hiện nay, theo Bộ Kế hoạch đầu tư, là chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh đối với việc hoạt động cũng như giám sát các tập đoàn.

Theo đó, nhà nước vẫn chưa tách bạch rõ ràng chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý về mặt nhà nước đối với các tập đoàn.

Mặt khác, Bộ cũng than phiền là hiện tại chưa có cơ quan nào là đầu mối giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của các tập đoàn.

Bộ Kế hoạch đầu tư đề xuất các tập đoàn phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để cải thiện tính minh bạch và khả năng quản trị và kiến nghị Quốc hội thực hiện vai trò giám sát quyền chủ sở hữu của nhà nước tại các tập đoàn.

Đảng ủy có cần thiết?

Xưởng đóng tàu của Vinashin

Các tập đoàn kinh tế chiếm giữ phần lớn nguồn lực của kinh tế Việt Nam nhưng hiệu quả lại không cao

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xây dựng mô hình chủ sở hữu nhà nước cho các tập đoàn, mô hình tổ chức, hoạt động và tổ chức Đảng trong các tập đoàn.

“Phải chỉ đạo nghiên cứu, giải đáp cho được sắp tới quản lý tập đoàn thì nhà nước làm những việc gì, ai làm, nếu gom về một bộ thì làm thế nào?,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thủ tướng Dũng tại cuộc họp.

Cơ chế quản trị trong các tập đoàn hiện đang vướng mắc giữa hội đồng quản trị và Đảng ủy nên lâm vào tình trạng ‘rắn nhiều đầu, không bò được,’ theo lời của Thủ tướng Dũng.

Ông cũng kiên quyết yêu cầu các tập đoàn phải thoái vốn ra khỏi những ngành kinh doanh không phải trọng tâm.

Rút kinh nghiệm từ vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, ông Dũng chỉ thị các tập đoàn nhất định phải xây dựng quy chế tài chính, điều mà Vinashin đã không làm.

Ông yêu cầu nội trong quý đầu tiên trong năm 2012, các bộ liên quan phải hoàn thành sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng rà soát lại các tập đoàn mà nhà nước cần nắm 100% vốn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước không cần nắm 100% vốn và ‘bán tất’ ở những ḷĩnh vực mà nhà nước không cần nắm vốn chi phối để tập trung vào những ngành kinh doanh chính.

Kết quả của hội nghị về các tập đoàn kinh tế lần này sẽ đóng góp vào đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sắp tới.

Hiện tại Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào việc tái cơ cấu nền kinh tế vốn đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo đó, ba trọng tâm tái cơ cấu là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Source: BBC(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/12/111211_vietnam_corporations.shtml)

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More