Tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ mới có bài đánh giá về thực trạng kém hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt của giới đầu tư nước ngoài.
Bài viết mở đầu bằng câu chuyện về một doanh nhân Đài Loan mở nhà máy chế biến gỗ tại ngoại ô TP HCM từ năm 2003.
Với lao động rẻ và địa điểm gần với khách hàng của mình, ông David Lin nghĩ Việt Nam hẳn là thị trường tốt, đặc biệt trong bối cảnh từng có doanh thu khoảng 6 triệu đôla hàng năm trước đây.
Nhưng nay ông Lin đang lên kế hoạch chuyển sang các nước châu Á khác bởi chi phí sản xuất tăng và thực trạng đình công đòi tăng lương khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.
Việt Nam từng được giới đầu tư nước ngoài coi là sự lựa chọn thay thế cho Trung Quốc do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng.
Tuy nhiên lạm phát tại Việt Nam, thuộc hàng cao nhất châu Á, là một trong các trở ngại lớn.
Cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm từ 19,9 tỷ đôla (2010) xuống 14,7 tỷ đôla (2011) mặc dù Bộ Kế hoạch Đầu tư nói lượng giải ngân thực tế lại tăng 35% lên mức 11 tỷ đôla vào năm ngoái.
"Họ đổ lỗi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hơn là thực trạng tham nhũng, nổ bong bóng tài chính và bất động sản, quyết định đầu tư kém cỏi của các doanh nghiệp nhà nước và quản lý vĩ mô yếu kém của chính phủ."
Jonathan Pincus, Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (Tp HCM)
Tuy nhiên tạp chí Forbes nói hiện nay số doanh nghiệp nước ngoài rời Việt Nam nhiều hơn số công ty tới đây làm ăn.
Ngoài lạm phát và đình công (987 cuộc năm 2011 so với 541 cuộc năm 2007), doanh nghiệp nước ngoài còn nói tới điều kiện đường xá kém tại các khu công nghiệp gây khó khăn cho vận tải hàng hóa và tình trạng cắt điện.
Nghiên cứu hàng năm của Ngân hàng Thế giới về “Làm kinh doanh” tiếp tục hạ điểm của Việt Nam.
Báo cáo năm 2012 xếp Việt Nam đứng hàng 98 trên tổng số 183 nước, giảm 11 bậc so với năm 2008.
“Quí vị hỏi tôi là có nên tới Việt Nam vào lúc này hay không thì câu trả lời của tôi là không nên”, ông Bruce Lee, Tổng giám đốc công ty chế tạo máy Elma Vietnam Industrial của Đài Loan được Forbes dẫn lời.
“Trông có vẻ rẻ nhưng giá cả tăng mạnh và thị trường nội địa cũng kém khởi sắc”, ông Lee nói thêm.
'Rời dần'
Trong khi đó ông Leo Chiu, nhà tư vấn thuộc Hội đồng Phòng Thương Mại Đài Loan (với 3.000 hội viên) nói sẽ không có làn sóng rút khỏi Việt Nam hàng loạt nhưng các công ty sẽ chủ động rời đây dần dần.
Trong khi đó giới chức Việt Nam lại tảng lờ về độ nghiêm trọng của các vấn đề nội tại của kinh tế.
“Họ đổ lỗi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hơn là thực trạng tham nhũng, nổ bong bóng tài chính và bất động sản, quyết định đầu tư kém cỏi của các doanh nghiệp nhà nước và quản lý vĩ mô yếu kém của chính phủ”, ông Jonathan Pincus, hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP HCM được dẫn lời nhận xét.
Tuy nhiên bài của Forbes cho hay trong khi một số công ty cắt giảm đầu tư tại Việt Nam vào năm ngoái thì các nhà sản xuất của Hong Kong lại chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Các công ty Nhật duy trì mức đầu tư không đổi và đang tìm kiếm đặt cơ sở sản xuất sau thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật cũng như việc hàng trăm nhà máy bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Thái Lan vào năm ngoái.
Hiện Nhật cam kết số vốn đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam (2,44 tỷ đôla), chỉ đứng sau Hong Kong.
Theo BBC
0 nhận xét:
Post a Comment