Thursday, January 12, 2012

Bộ trưởng Thăng: 'Tôi được sự đồng thuận của dân'

'Sau 5 tháng làm bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và đặc biệt là sự quyết liệt, đồng thuận của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chiều 12/1.
VnExpress
trích đăng trả lời phỏng vấn trực tuyến của Bộ trưởng Đinh La Thăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

- Thưa ông, tại sao Bộ Giao thông Vận tải không hỏi ý kiến người dân trước khi trình Chính phủ đề án phí lưu hành phương tiện?

- Để trình đề án này, chúng tôi có căn cứ là báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách giảm thiểu tai nạn và ùn tắc. Quốc hội đã ra nghị quyết, trong đó nhất trí thông qua các giải pháp của Chính phủ về giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ để đề nghị Quốc hội bổ sung phí và lệ phí, trong đó có phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Thứ hai, đây không phải sáng kiến mới của Bộ mà là thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ xây dựng đề án.

- Tại sao Bộ lại đề xuất thu phí lưu hành phương tiện theo cách "cào bằng" đầu xe cùng mức mà không theo lưu thông thực tế, phân biệt xe mới, xe cũ?

- Chúng tôi tính toán rất kỹ để xây dựng đề án này, không cào bằng, có tính toán thực tiễn tình hình giao thông, thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và tham khảo các nước thế giới. Phí lưu hành xe máy phân ra 2 loại, cho người đi xe dưới 175 phân khối đóng 500.000 đồng, tính ra mỗi tháng 46.000 đồng, tương đương 2 lít xăng là phù hợp. Xe trên 175 phân khối thu một triệu đồng.

Còn ôtô phân ra các mức khác nhau, một năm trung bình là 20 triệu đồng, một tháng đóng chưa hết 2 triệu, phù hợp với người sử dụng phương tiện. Có phân chia các mức độ cho phù hợp với từng nhóm người.

- Chủ ôtô đã đóng góp nhiều vào ngân sách thông qua hình thức nộp thuế, giờ lại phải thêm gánh nặng phí lưu hành. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chính phủ chưa ban hành mức thu phí. Sau khi Thường vụ Quốc hội quyết định thì Chính phủ mới ban hành. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông cần tổng thể các giải pháp đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có việc rà soát lại tất cả quy hoạch phát triển, quy hoạch sản xuất rồi quy hoạch lắp ráp, nhập khẩu ôtô... Từ đó, Chính phủ mới đề ra giải pháp, trong đó có giải pháp về kinh tế là thu phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn. Việc thu này đảm bảo công bằng, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mức 500.000 đồng/năm, còn đối với người đi bộ, xe đạp không phải nộp.

Nói về chuyện bình đẳng hay không khi những người đi ôtô nộp nhiều thuế, tôi cho rằng, chúng ta cũng phải đặt ngược lại vấn đề. Người dân ở vùng sâu, biên giới hải đảo, họ làm gì để nộp thuế. Nhưng công sức bảo vệ biên giới của họ thì không thể tính bằng tiền. Anh có thể nộp ngân sách hàng năm, hàng tháng nhưng sự hy sinh của những người nơi biên giới, của người nông dân làm ra hạt gạo… thì có tính được không? Thực tế, về sử dụng hạ tầng giao thông, họ luôn bị thiệt thòi.

Nếu mình không thu phí này, tạo thêm nguồn thu, chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì không có tiền đầu tư cho giao thông nông thôn, đường ven biển, đường tuần tra biên giới… Do vậy tôi nghĩ, nếu nói bình đẳng thì chúng ta phải hiểu một cách đầy đủ như vậy.

- Bộ trưởng đã hứa thực hiện 3 khâu đột phá (đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông), vậy đã có tiến triển gì trong cả 3 lĩnh vực?

- Ngành đang tiếp tục thực hiện 3 nội dung đột phá đó, không phải một thời gian ngắn giải quyết được. Đây là vấn đề lớn cần sự vào cuộc của toàn dân. Nhưng tôi cũng hết sức hài lòng, sau 5 tháng nhận chức Bộ trưởng đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Tôi hàng ngày nhận được rất nhiều ý kiến qua điện thoại, email, thư bày tỏ sự ủng hộ, tất nhiên cũng có cả những người phản đối.

Về kết quả cụ thể, cần có thời gian. Đầu tư một cây cầu, một con đường, xử lý ùn tắc giao thông… cần một loạt giải pháp để triển khai thực hiện và cần thời gian thì mới khẳng định được kết quả, chứ sau 5 tháng mà làm được ngay thì tôi giỏi quá.

- Khi “trảm tướng”, yêu cầu tăng tốc hoàn thành dự án cảng hàng không Đà Nẵng, quốc lộ 18, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình..., Bộ trưởng trực tiếp phải đi đốc công, tại sao không để các thứ trưởng làm việc đó?

- Tôi thấy rằng đã là người đứng đầu ngành, không chỉ ngành giao thông, khi đi kiểm tra công việc thì phải có ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ, thậm chí có biện pháp xử lý tình thế để công việc tốt hơn, chứ không phải chỉ khi có vấn đề thì bộ trưởng mới "ra tay". Có người nói bộ trưởng là chính khách, phải làm chính trị, phải làm việc lớn chứ sao lại làm thay việc của đốc công? Tôi cho rằng bộ trưởng phải làm cả việc lớn, cả việc nhỏ.

Ví dụ tôi đến nhà anh chơi, thấy anh đang quét nhà, không lẽ tôi bảo vợ ông này hỏng, vì chẳng nhẽ anh không thể giúp vợ rửa bát hay quét nhà. Theo tôi, bộ trưởng làm cả việc lớn và việc nhỏ, miễn là việc đó có lợi cho tập thể, cho đơn vị, cho đất nước.

- Bộ trưởng nghĩ thế nào về khả năng mất chức vì đã đưa ra hàng loạt giải pháp khá quyết liệt?

- Sau 5 tháng làm bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, xã hội và đặc biệt là sự quyết liệt, đồng thuận của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành. Dù cũng xin nói lại là các giải pháp này đã được đặt ra từ 10 năm nay nhưng không ai làm và tôi chưa có sáng kiến gì cả.

Về việc sợ có mất chức không, tôi xin trả lời rằng vừa rồi Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một người nông dân gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Bức thư có đoạn: "Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó, Quốc hội có phế truất, không cho ông làm Bộ trưởng nữa, thì ông hãy về với chúng tôi, chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn".

Cho nên tôi hết sức thanh thản, làm được gì cho đất nước, cho ngành, tôi sẽ hết sức làm, theo như lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì hết sức tránh.

Đoàn Loan ghi- vnexpress.net

1 nhận xét:

Anonymous said...

Phỏng vấn trực tuyến mà toàn là câu hỏi sắp đặt. Sao bức xúc của dân nghèo không có. 20 triệu với người giàu là ít nhưng 1 triệu với người nghèo là quá nhiều.

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More