Thursday, December 22, 2011

Kim Jong-il: Bạo chúa mê điện ảnh


Một trong những điều gây ngạc nhiên nhất về Kim Jong-il là tình yêu của ông dành cho điện ảnh.
Có tin nói ông sở hữu tới hơn 20 nghìn băng video và đĩa DVD.

Elizabeth Taylor là một trong những nữ diễn viên được ông yêu mến nhất.

“Điện ảnh đóng một vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của nghệ thuật và văn học. Đó cũng là vũ khí tư tưởng rất mạnh mẽ cho cách mạng và kiến thiết.”

Kim Jong-il viết những dòng trên vào năm 1987 trong bài tiểu luận Điện ảnh và Đạo diễn.

Bắt cóc

Năm 1978, rất lâu trước khi kế nghiệp cha mình Kim Nhật Thành, ông đã ra chỉ thị bắt cóc một đạo diễn rất nổi tiếng của Nam Hàn.

Shin Sang-Ok bị bắt cóc trong một chuyến đi tới Hong Kong. Các điệp viên đẩy ông vào chiếc xe ô tô đang chờ sẵn, tròng túi lên đầu, bọc vào ni lông rồi vận chuyển ông ta tới Bình Nhưỡng.

Ông bị giam ở một trại tù nam trong suốt mấy năm và bị ép phải sống trong điều kiện ăn kiêng kham khổ bằng “cỏ, muối và cơm”, là hình phạt cho tội có ý định vượt ngục.

Sau bốn năm ông bỗng dưng được thả và cho gặp lại vợ, Choe Eun-hui, trong một buổi tiệc lớn của nhà nước.

Trong tự truyện của mình, Shin nhớ lại một cuộc trò chuyện với Kim Jong-il khi đang uống đồ uống nhẹ trong buổi tiệc.

“Các nhà làm phim của miền Bắc chỉ làm phim chiếu lệ,” Kim nói, lúc đó ông đang giữ chức Bộ trưởng bộ văn hóa. “Họ chẳng có ý tưởng mới nào”.

Như thế, Shin và Choe trở thành các nhà làm phim cho chế độ này.

Trong số bảy bộ phim mà họ thực hiện theo chỉ đạo của Kim, có Pulgasari là phiên bản cộng sản của bộ phim Godzilla, và một phim truyện trong đó lần đầu tiên có cảnh hôn nhau được chiếu của đất nước này.

Tình thế của họ lúc đó không mấy dễ chịu – họ bị giam lỏng tại nhà riêng những lúc không ở trường quay. Nhưng Shin nói ông có quyền tiếp cận đặc biệt với người thích ẩn dật Kim Jong-il.

“Ông ta nghe tôi bởi vì chúng tôi đến từ Nam Hàn,” Shin trả lời báo The Guardian năm 2003. Ngay cả khi chúng tôi chỉ trích, ông ta cũng muốn chúng tôi phải nói thật. Nếu là người khác thì có lẽ đã bị xử tử vì nói ra những sự thật như thế.”

Shin và vợ cuối cùng cũng trốn được trong một chuyến đi thăm Vienna năm 1986, không lâu sau khi hoàn thành bộ phim Pulgasari.

Bộ phim về quái vật này là một trong số rất ít phim Bắc Hàn được phát hành quốc tế (có thể xem được trên You Tube) và được công bố hoàn chỉnh với nhà sản xuất chính là Kim Jong-il.

Thẩm mỹ

Sự đón nhận của quốc tế nằm rất thấp trong danh sách ưu tiên của Kim Jong-il.

Truyền bá hình ảnh của một Bắc Hàn thành công, trật tự, thịnh vượng luôn mới là mục tiêu chính của ông.

Sự quản lý siêu chi tiết của Kim đối với ngành công nghiệp phim còn lan tới cả phòng phụ trách nghệ thuật.

“Là nữ diễn viên, bọn họ ép tôi phải mặc cái này và không được mặc cái kia,” Kim Hye Young, ngôi sao một thời của điện ảnh Bắc Hàn, đã trốn khỏi đất nước trong những năm 1990.

Những người ra đi khỏi Bắc Hàn cho thấy phần nào thẩm mỹ cá nhân về phim của Kim.

“Kim Jong-il cũng giống như bất kỳ người đàn ông trẻ nào khác. Ông thích phim hành động, phim sex và phim kinh dị,” Shin Sang-Ok trả lời BBC năm 2003.

“Ông ta cũng thích những người phụ nữ mà hầu hết cánh đàn ông ưa thích, ông ta cũng thích James Bond.”

Trên một tờ báo khác, Shin liệt kê danh sách phim được Kim chuộng nhất là Thứ Sáu Ngày 13, Rambo và các phim hành động của Hong Kong.

Ông cũng nói với tờ Seoul Times rằng nam diễn viên yêu thích nhất của vị lãnh đạo là Sean Connery, và nữ diễn viên Elizabeth Taylor.

Phim phương Tây đầu tiên được chiếu rộng rãi ở Bắc Hàn là Bend It Like Beckham, được chiếu cho 12 nghìn người ở Liên hoan Phim Pyongyang năm 2004.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright cũng lượm lặt được một số thông tin về thói quen của fan điện ảnh người Triều Tiên này trong một chuyến đi thăm quốc gia vào năm 2000.

Theo tờ New York Times, Kim hỏi Albright xem bà có xem bộ phim mới nào không.

Khi bà trả lời “Gladiator”, Kim nói ông đã xem phim Amistad của Steven Spielbergh và tả rằng phim này “rất buồn”.

Nhưng chân dung chế độ của Kim ở Hollywood lại không được ưa chuộng lắm.

Khi người thương mến của ông, James Bond bị bắt giữ và tra tấn khi thi hành một nhiệm vụ ở Bắc Hàn trong bộ phim Die Another Day, nhà nước gọi bộ phim này là “xúc phạm đến quốc gia người Triều Tiên”.

Nhưng sự cay độc nhất là phim Team America: World Police của Trey Parker và Matt Stones, trong đó có hình rối của Kim Jong-il nhại cách phát âm ngọng của người Triều Tiên, ngồi bên đàn piano hát: “Tôi thật cô đơn.”

Bài hát nhại về một nhân vật lãnh đạo rỗng tuếch và đơn độc, đối với rất nhiều người phương Tây, là ấn tượng chủ đạo về Kim Jong-il.

Kim có thể không chấp nhận biếm họa. Nhưng chắc chắn ông ta là người biết trân trọng sức mạnh tác động của điện ảnh đến con người.

Theo BBC

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More