Monday, April 4, 2011

Bản hợp đồng lao động... không giờ nghỉ.

TT - Ông Võ Quang Lâm, bảo vệ của Trường THCS Trần Văn Ơn (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), đã “được” ký một bản hợp đồng lao động có một không hai: làm việc 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, không nghỉ phép.

Theo trình bày của ông Lâm, ngày 16-7-2009, UBND huyện Krông Pắk có quyết định bố trí ông làm bảo vệ tại Trường THCS Trần Văn Ơn. Quyết định của UBND huyện ghi rõ: Giao hiệu trưởng nhà trường ký hợp đồng với ông Lâm theo quy định của Bộ luật lao động. Tạm xếp bậc lương 1/12, hệ số 1,5, ngạch nhân viên thừa hành, phục vụ các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và các khoản phụ cấp khác.

Làm việc 24/24 giờ!

Công việc của ông Lâm là làm bảo vệ tại nhà trường cả ngày lẫn đêm, kể cả ngày chủ nhật. Đến ngày 1-9-2010, ông Lâm và nhà trường tiếp tục ký kết lại hợp đồng lao động với những nội dung không thay đổi. Ngoài mức lương 1,1 triệu đồng/tháng, ông Lâm không được nhận một khoản phụ cấp ngoài giờ nào.

Công việc của ông và một bảo vệ khác là trông coi tài sản của nhà trường, tưới và chăm sóc cây cảnh cũng như làm thêm một số công việc lặt vặt của nhà trường như sửa nhà xe học sinh, sơn cổng trường... Nếu mất tài sản hay hư hại cơ sở vật chất của nhà trường thì trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về bảo vệ.

“Dù làm bảo vệ cũng phải có chế độ nghỉ ngơi, chứ theo hợp đồng thì tôi chẳng được nghỉ một chút nào cả. Nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho tôi xây một gian nhà trong khuôn viên trường để gia đình tôi ở lại nhưng làm việc mà không có lấy một giờ của riêng mình là không hợp lý!” - ông Lâm cho biết.

Do thiếu kinh phí!

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết phòng nội vụ của huyện cho trường một biên chế bảo vệ. Nếu làm đúng luật trên thì mỗi ngày bảo vệ làm tám giờ, những giờ còn lại ai sẽ trực bảo vệ của trường, đặc biệt vào ban đêm? Cho nên nhà trường buộc lòng phải ký hợp đồng với ông Lâm như vậy. Tuy nhiên, nhà trường đã linh động vận động hội phụ huynh học sinh góp thêm kinh phí để tuyển thêm một bảo vệ (ông Y Lúa) để cùng trực với ông Lâm tại trường.

“Từ khi có hai bảo vệ, hai anh có thể thay phiên nhau trực. Anh Lâm được tạo điều kiện xây nhà trong khuôn viên trường, gia đình anh ấy sống và sinh hoạt tại đây cũng không có gì khó khăn lắm. Chúng tôi vẫn cho anh Lâm nghỉ vào ngày thứ sáu, anh Y Lúa ngày chủ nhật. Khi ai có công việc riêng vẫn có thể đi, tuy nhiên phải báo cáo và chỉ trong chốc lát.

Về việc trong bản hợp đồng ghi anh Lâm phải làm cả ngày lẫn đêm, kể cả ngày chủ nhật là vì nếu tôi ghi trong hợp đồng anh Lâm ngày làm tám giờ thì thời gian khác ai trực trường, mất tài sản ai chịu? Nếu Nhà nước cho chúng tôi ba biên chế bảo vệ để đảm bảo chế độ ngày làm tám giờ thì chúng tôi đâu có phải ký hợp đồng như vậy. Hoặc giả như có khoản chi phí làm ngoài giờ chúng tôi cũng sẵn sàng chi” - ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cũng cho rằng việc quy định làm việc 24 giờ/ngày, kể cả chủ nhật là nhằm thắt chặt trách nhiệm của bảo vệ với nhà trường, phải đảm bảo tài sản nhà trường không bị mất mát!

Ông Trần Đức Lanh, trưởng Phòng nội vụ huyện Krông Pắk, cho biết: “Trong quyết định của UBND huyện do chúng tôi tham mưu đã ghi rõ giao hiệu trưởng nhà trường ký hợp đồng với người lao động theo đúng Luật lao động. Thế nhưng nhà trường lại làm hợp đồng mà bắt người ta làm cả ngày lẫn đêm, cả chủ nhật thì không đúng rồi.

Theo tôi, trường cũng nên suy nghĩ cách sửa lại bản hợp đồng cho hợp lý, hợp tình và dựa vào thỏa thuận của hai bên, có giờ nghỉ, có giờ làm việc rõ ràng. Còn anh Lâm đã chấp nhận công việc thì cũng không nên đòi hỏi quá mà gây khó dễ cho trường. Hai bên cần bàn bạc để sửa đổi hợp đồng nhằm khắc phục khó khăn chung”.

Nhà trường phải chỉnh sửa lại bản hợp đồng lao động

Theo quy định tại điều 29 của Bộ luật lao động, nội dung chủ yếu bắt buộc của một hợp đồng lao động phải bao gồm cả thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ của người lao động. Nếu một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung.

Trong trường hợp phát hiện hợp đồng lao động có nội dung vi phạm như trên thì thanh tra lao động hướng dẫn và yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu các bên không sửa đổi, bổ sung thì thanh tra lao động có quyền buộc hủy bỏ các nội dung đó; quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy rằng việc Trường THCS Trần Văn Ơn ký hợp đồng lao động với anh Võ Quang Lâm là phải làm việc liên tục ngày đêm mà không có bất cứ một thời giờ nghỉ ngơi và ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ phép nào là vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng. Nhà trường bắt buộc phải chỉnh sửa lại bản hợp đồng lao động này cho đúng quy định của pháp luật lao động, cho dù có sự đồng ý của người lao động hay không.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, anh Võ Quang Lâm có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Krông Pắk để yêu cầu nhà trường bồi thường thiệt hại cho mình trong thời gian làm việc không được nghỉ ngơi, và điều chỉnh hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật sau khi đã thực hiện xong thủ tục hòa giải tại cơ sở là gửi đơn khiếu nại đến hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động tại Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Krông Pắk.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM)

vnexpress.net

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More