Cô gái được sinh ra trong gia đình có người
cha bị câm điếc bẩm sinh, nên cô ta thường xuyên bị trêu chọc, chế giễu của bạn
bè ở trường. Từ đó, cô gái trở nên ác cảm với người cha của mình. Dù
không thể nghe và nói như một người bình thường, nhưng ông ta vẫn hiểu được nỗi
buồn và mặc cảm của cô con gái mình. Vì vậy, ông luôn quan tâm, động
viên, chăm sóc và cố gắng làm con gái vui hơn trong mỗi bữa ăn. Ông đã
dành tất cả tình yêu thương cho người con gái yêu quý.
Minh họa: Hình ảnh mang ý nghĩa tình yêu |
Nhân dịp ngày sinh nhật của cô con gái,
ông ta đã âm thầm chuẩn bị một cái bánh mừng sinh nhật, và viết những lời nhắn
nhủ cho cô con gái: “Con gái yêu quý, cha bị câm điếc ngay từ khi mới sinh
ra, cha xin lỗi con vì điều đó. Cha không thể nói được như những ông cha
khác, nhưng cha muốn con biết rằng, cha yêu con bằng cả trái tim mình”.
Thật là đáng tiếc, cô con gái chưa kịp đọc lời nhắn nhủ của ông, thì cô
đã tự tử đúng vào ngày sinh nhật của mình. Vì bị mặc cảm và áp lực quá lớn,
cô không thể vượt qua bản thân, nên cô ta tìm đến cái chết. Khi nhìn thấy
con gái trong cơn hấp hối, người cha rất đau lòng, ông bế con chạy tới bệnh viện,
cầu xin các bác sỹ cứu sống cô con gái bé bỏng của mình. Với lời cầu khẩn
tha thiết của ông, may mắn là cô con gái đã được cứu sống bằng chính những giọt
máu của ông. Khi tỉnh lại, cô con gái chỉ biết nắm tay cha và khóc.
Câu chuyện viết về tình yêu của người cha
thật là cảm động, bao la, và cao quý. Một tình yêu âm thầm, lặng lẽ và hy
sinh mà ông ta đã dành cho đứa con gái yêu quý của mình. Thế nhưng, cô ta
vẫn không nhận ra tình yêu vô biên đó của cha. Một thông điệp rất có ý nghĩa
cho cuộc sống hôm nay, đó là: “Không có người cha hoàn hảo, mà chỉ có người
cha luôn dành yêu thương hoàn hảo nhất cho những đứa con của mình”.
Khi nói đến tình yêu thầm lặng của người
cha trên trần gian, nó nhắc nhớ chúng ta hiểu và ý thức hơn về tình yêu tuyệt vời
của Chúa Cha trên trời, Ngài là khởi nguồn của tình yêu và ban phát tình yêu
cho con người, và tình yêu đó được diễn tả trong thư thứ nhất của thánh Gioan: “Thiên
Chúa là tình yêu”. Do đó, người Ki-tô hữu phải yêu thương nhau bởi vì
tình yêu đến từ Thiên Chúa. Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa.
Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài cho chúng ta qua Người Con Một của
Ngài là Đức Giê-su đã đi vào thế gian để chuộc tội cho nhân loại và cho chúng
ta được sống. Chính nơi Đức Giê-su, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa và
chia sẻ sự sống của Ngài.
Điều này được thuật lại trong bài Tin Mừng
hôm nay. Chúa Giê-su nói rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy
cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.
Nếu anh em giữ giới răn của Thầy. Điều răn đó là anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu là điều kiện tiên
quyết để nhận biết về cuộc sống, đặc biệt là về Thiên Chúa. Van Gogh nói:
“ Điều tốt nhất để nhận biết Thiên Chúa là yêu thương tất cả: yêu gia đình,
yêu bạn bè, yêu vợ con, yêu tha nhân, yêu cuộc sống…, đó là những con đường dẫn
chúng ta đến với Thiên Chúa, và người dẫn dắt chúng ta là Chúa Giê-su”.
Và nơi đâu có tình yêu là ở đó có Thiên Chúa. Ngược lại, nơi nào không có
tình yêu thì nơi đó không biết Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ngày nay nhân loại vẫn có một
khoảng trống rất lớn về sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Người ta vẫn
thường đặt câu hỏi: Có Thiên Chúa không? Tại sao con người phải đau khổ?
Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng
được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình, và người hướng dẫn chương trình đã
hỏi cô ta như sau: Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xẩy ra một thảm họa khủng
khiếp như vây? Cô ta trả lời như sau:
Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều
đó, ít nhất là Ngài cũng buồn bằng chúng ta. Từ bao năm nay, chúng ta đã
yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng
ta. Ngài là người “Quân tử” nên đã lẳng lặng rút lui. Làm sao chúng
ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn thiết xin
Ngài để mặc chúng ta một mình?
Về những biến cố mới xảy ra như tấn công,
khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh v.v., tôi nghĩ rằng mọi sự đã
bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc
kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý. Rồi lại một người
khác có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, chính
quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta: “Chớ giết người, chớ trộm cắp,
nhưng hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v.”,và chúng ta cũng
đã đồng ý.
Sau đó, bác sĩ Benjamin Spock lại nói,
chúng ta không được đánh con cái mình khi chúng làm gì xấu, vì chúng ta có thể
làm sai lệch nhân cách trẻ nhỏ của chúng ta và làm cho chúng không biết tự quý
trọng bản thân mình nữa. Con trai của chính vị bác sĩ ấy khốn thay đã tự
tử. Người ta lại nói rằng, một chuyên viên chắc chắn phải biết mình
nói gì, còn ông ấy nói với chúng ta điều gì, thì chẳng quan trọng, và chúng ta
cũng đồng ý luôn.
Bây giờ, chúng ta lại tự hỏi: Tại
sao chúng ta lại không có lương tâm, không phân biệt được thiện ác, và chúng ta
có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình? Có
thế sau khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta đi đến
kết luận rằng: “Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy”. Thật kỳ
lạ khi con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng, rồi sau đó lại tự hỏi tại
sao thế giới biến thành địa ngục. Thật kỳ lạ khi chúng ta lại có thể tin
những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh dạy. Thật kì lạ
khi chúng ta lại lo sợ người đời nghĩ sao về mình hơn là những gì Thiên Chúa
nghĩ về chúng ta.
Qua những dòng suy tư trên, chúng ta nhận thấy rằng, Thiên
Chúa là Người Cha nhân từ, Người Cha thầm lặng luôn dành những tình yêu thương
tốt nhất cho con cái của Ngài. Cho dù, chúng ta có phản bội, bất trung,
phủ nhận Thiên Chúa, thì Ngài vẫn yêu thương chúng ta đến cùng, bằng chính Người
Con Một là Đức Giê-su chịu chết trên cây thập giá. Nơi cây thập tự, tình
yêu Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta. Nơi cây thập giá Chúa Giê-su, Thiên
Chúa đã mạc khải ơn cứu độ cho nhân loại. Tất cả những điều đó không chứng minh
đủ tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta sao?
Lm. John Nguyễn, Utica, New York.
0 nhận xét:
Post a Comment