17/02 năm nay đánh dấu 33 năm ngày mở màn cuộc chiến biên giới Việt – Trung, nhưng nhiều cựu chiến binh tỏ ra miễn cưỡng không muốn nói về sự kiện.
Một số quân nhân từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến không muốn đề cập vì cho rằng hai nước đang cần xây dựng quan hệ bình thường.
“Hàng xóm với nhau, chín bỏ làm mười, thôi, chẳng nên nhắc lại làm gì. Chủ trương của Đảng là thế, mà tôi cũng nghĩ thế,” một cựu binh nói với BBC hôm nay.
Trong khi đó, tâm sự với BBC trong điều kiện không nêu tên, một người khác tiết lộ cảm nghĩ thực về Trung Quốc.
“Trung Quốc không thật thà đâu, lúc thế này lúc thế khác. Buôn bán cũng vậy, cả thế giới người ta nói còn gì.”
Nhưng vị cựu binh vẫn bảo lưu quan điểm rằng không nên nói công khai về cuộc chiến biên giới mấy chục năm trước.
“Bỏ quá khứ đi để có quan hệ láng giềng cho tốt.”
Người này thậm chí cho rằng “một số thế lực bên ngoài muốn khiêu khích”.
“Chẳng qua chỉ để khích mình, nói xấu Trung Quốc.”
“Biển đảo rất phức tạp. Vừa rồi ông Nguyễn Phú Trọng vừa lên Tổng Bí thư, đã phải sang Trung Quốc ngay để giải quyết.”
Một người hiếm hoi đồng ý nhắc lại sự kiện là ông Nguyễn Duy Vinh, 56 tuổi, người hôm nay đi thăm nghĩa trang liệt sĩ ở thị trấn Nhổn, Hà Nội, tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh ở Lạng Sơn năm 1979.
Ông không trực tiếp tham gia sự kiện năm 1979 mà được gọi tái ngũ năm 1980.
Ông cho biết mình đóng ở phòng tuyến thứ hai và chưa tham gia chiến đấu.
"Anh em cũng đều là lính. Tôi lên đây, chỉ nghĩ các bạn thiệt thòi hơn tôi."
"Mình may mắn, vì chiến tranh không chừa ai. Tôi rất biết ơn các bạn đã hy sinh," ông tâm sự.
‘Phía bên kia’
Trong khi đó trên mạng, một số người không hài lòng việc truyền thông trong nước hầu như không nhắc gì sự kiện vào hôm nay.
Nhà báo hải ngoại Lê Diễn Đức viết: “Sáng ngày 17/2/2012, cho tới 12 giờ trưa, giờ Hà Nội, tôi lướt qua trang chủ các tờ báo điện tử được xem là phổ biến nhất trong nước… không một tờ nào nhắc tới cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào ngày này.”
Trang mạng báo Thanh Niên hôm nay đăng phóng sự “Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc”.
Bài này mở đầu: “Mãi đến tận tháng 7.1989, những tàn tro cuối cùng của ngọn lửa chiến tranh biên giới bùng lên hơn mười năm trước đó mới nguội tắt hẳn ở Hà Giang.”
Tuy vậy, một số chi tiết trong bài nhắc đến giai đoạn chiến tranh không dùng chữ “Trung Quốc” mà chỉ nói “phía bên kia” hay “đối phương”.
Có người đang làm việc trong nước lại nhớ về sự kiện bằng cách viết nhẹ nhàng, không trực tiếp đề cập hai chữ “Trung Quốc”.
Trên Facebook, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu từ TP. HCM, viết về một người lính ngã xuống.
“Bạn đã nằm lại ở biên giới phía Bắc một ngày tháng Hai năm ấy… Vậy nhưng mỗi năm vào những ngày này cô vẫn luôn hy vọng…”
Có blogger như Trần Kỳ Trung lại hỏi vì sao “vẫn không tôn vinh những người Cha, người Mẹ sinh ra các Anh, những chiến sỹ Anh Hùng hy sinh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Bắc Kinh tháng 2 năm 1979?”
Còn nhà báo kỳ cựu Huy Đức đưa lại trên Facebook cá nhân bài viết của ông năm 2009 - ông cho biết khi đó bản đưa lên trang mạng của Sài Gòn Tiếp Thị bị rút xuống ngay.
Ông nói thêm: "Tôi cũng rất ngán ngẩm với cách nói về ngày 30-4 như mấy chục năm qua nhưng im lặng trước ngày 17-2 thì thật là vô cảm."
Theo BBC
0 nhận xét:
Post a Comment